Nếu nhà nước tiếp tục để nông dân tự phát như hiện nay, không thực sự tìm thị trường cho nông sản Việt thì nông dân vẫn rơi vào cảnh khốn cùng.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia Nông nghiệp đã bày tỏ sự lo ngại và hết sức đau lòng khi nghĩ về những người nông dân sắp bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân nhưng lại gặp cơn ‘bão’ xả hàng của gạo Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc gạo Việt sẽ hạ giá để cạnh tranh trong bối cảnh cuối tháng 11 vừa qua Hiệp hội lương thực Việt Nam – VFA đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu xuống 380 USD một tấn loại gạo 25% tấm thay vì 410 USD.
Gạo Việt thất thế và về chất lượng và bạn hàng
PV: – Thưa ông thông tin mới đây nhất cho thấy Thái Lan đang sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo mới. Phản ứng với điều này Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cụ thể tác động của sự cạnh tranh của Thái Lan đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trên các khu vực thị trường như: Chủng loại mặt hàng, phương thức tăng cường giao dịch, đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan đối với hoạt động XK gạo, giải phóng tồn kho. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Bộ Công thương? Liệu có còn kịp để Việt Nam lựa chọn một giải pháp cho xuất khẩu gạo trong bối cảnh khó khăn này hay không?
GS Võ Tòng Xuân: – Trên thực tế hiện nay chúng ta đang còn tồn nhiều gạo mà Thái Lan thì còn tồn nhiều hơn vì giá thu mua cao từ 2 năm trước còn tồn đọng lại. Gạo mà họ gọi là gạo trắng (gạo cao sản) vài năm nay Thái Lan cũng tăng lượng sản xuất. Do đó họ phải tiêu thụ bớt đi. Thành ra hiện nay khi họ đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này thì điều dễ thấy là Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh.
Về mặt hàng gạo này Việt Nam thua Thái Lan là điều rõ ràng vì chất lượng gạo của họ tốt hơn, trong khi họ lại có bạn hàng nhiều hơn mình. Thành ra chúng ta ở một địa vị rất thất thế cả về chất lượng và mối bạn hàng.
Chính đây là điểm khiến tính cạnh tranh của gạo Việt Nam gần như là quá thấp. Thành ra khi thấy Thái Lan hạ giá thì Việt Nam cũng chỉ còn cách là hạ giá tiếp chứ không còn cách nào khác.
Nếu như doanh nghiệp Việt Nam có đủ vốn, giữ lại số gạo đã mua để đi tìm bạn hàng ở châu Phi thì may ra có thể có giá cao hơn được khi gạo của Thái Lan đã bán hết. Tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra khi gạo Thái Lan đã được bán hết, nếu không thì việc gạo Việt lọt vào các thị trường khác là vô cùng khó khăn nếu bằng giá của họ.
Cho nên có thể thấy rằng chúng ta không còn lựa chọn nào khác để gạo xuất khẩu có giá cạnh tranh được. Ngay cả Ấn Độ tôi cũng được biết thông tin hiện gạo họ cũng đang sắp dư thừa. Điều này rất gay go cho gạo của Việt Nam trên con đường xuất khẩu.
PV: – Trong khi Bộ Công thương vẫn đang nghiên cứu tìm giải pháp thì ngay từ cuối tháng 11, Hiệp hội lương thực Việt Nam – VFA đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu xuống 380 USD một tấn loại gạo 25% tấm thay vì 410 USD. Ông có ngạc nhiên trước phản ứng này của VFA không và tại sao? Điều này liệu có dự báo, hai tổng công ty lương thực sẽ ứng phó với việc Thái Lan xuất khẩu gạo giá thấp bằng cách bán… giá thấp hơn không, thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: – Với cung cách hạ giá để cạnh tranh là cách làm dễ thấy của các đơn vị phụ trách xuất khẩu gạo của Việt Nam từ trước tới nay. Tuy nhiên ở thời điểm này chắc là cũng không thể hạ giá quá nhiều vì doanh nghiệp đã mua gạo của dân rồi và như thế thua lỗ nhiều.
Chỉ đáng lo là với lúa đang thu hoạch trong tháng này và tháng tới thì đây quả là một điều đau xót cho bà con nông dân. Vụ Đông Xuân là tốt nhất trong năm nên đáng ra sẽ phải bán được giá nhất. Thế nhưng gặp bối cảnh gạo của Thái Lan xả hàng như vậy thì khó khăn gấp bội lại thuộc về bà con nông dân của mình.
Sở dĩ tôi nói như vậy là chắc chắn các doanh nghiệp sẽ ép giá khi mua lúa của người nông dân để đảm bảo kiểu gì họ cũng có lời. Cuối cùng những tác động tiêu cực này sẽ dồn hết lên vai người nông dân
PV: – Nhìn vào hai động thái trên, dư luận đặt dấu hỏi, phải chăng có một sự lệch pha giữa điều hành của Bộ Công thương và hoạt động xuất khẩu gạo: một bên mong muốn tìm thị trường tốt, bán giá cao, một bên sẵn sàng bán giá thấp để hưởng chênh lệch? Ông có chia sẻ với băn khoăn này không? Nếu vậy thì rào cản để xuất khẩu gạo Việt Nam đạt giá trị cao hơn, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân phải được chỉ rõ là gì, thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: – Chúng ta cần phải biết thị trường tương lai của mình ít nhất là trong một năm để sản xuất vừa đủ cho thị trường đó. Chứ còn bây giờ hiện nay việc sản xuất vẫn tự phát nên yếu tố hên xui luôn tồn tại.
Tức là khi gặp xui thì chịu xui, khi gặp may thì được may. Nghĩa là làm ăn nhưng không có tính toán.
Thực ra Bộ Công thương cứ nói là đi tìm thị trường nhưng mà tôi không thấy họ chỉ ra thị trường ở đâu, năm tới cần bao nhiêu gạo. Họ không hề có động thái đó.
Rồi VFA cũng như hai Tổng công ty lương thực, đáng ra họ cũng là những người cùng với Bộ Công thương đi tìm thị trường gạo cho Việt Nam thì cũng rất thụ động. Họ chỉ chờ chỗ nào đó gọi thầu cần cung cấp gạo thì họ chạy qua đó tham gia đấu thầu. Điều đó nó cứ diễn ra thường xuyên như vậy trong suốt thời gian qua.
Thái độ này làm cho sản xuất nông sản của Việt Nam chúng ta nói chung và mặt hàng gạo của chúng ta nói riêng luôn luôn bị rủi ro. Bởi vì mình sản xuất theo cảm tính của người nông dân, để họ làm tự phát mà không có sự hướng dẫn, cố vấn, tổ chức một cách sát của nhà nước.
Hay nói khác đi nhà nước đang bỏ mặc nông dân muốn làm gì thì làm. Cho nên bây giờ đổ thừa trách nhiệm là ai khi tình trạng này diễn ra thì phía nhà nước cho rằng tại dân làm tự phát thì ráng chịu.
Tuy nhiên phát biểu này là vô trách nhiệm. Bởi vì chính các tập đoàn, tổng công ty lương thực, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đi các nơi tìm kiếm thị trường, đặt hàng rồi về đặt lại cho nông dân tổ chức sản xuất. Đằng này họ để cho nông dân tự bơi thì không thể nói chuyện làm chủ được sản phẩm của mình.
Cho nên tôi muốn nói rằng nếu mà nhà nước tiếp tục để cho nông dân tự phát như hiện này mà không có động thái thực sự đi tìm thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam thì rõ ràng là sẽ đưa nông dân vào chỗ khốn cùng.
Không quyết liệt tái cấu trúc – nông nghiệp mất vị thế
PV: – Nhìn từ lợi ích của hai công ty lương thực, quả thật, với việc thu mua giá rẻ và bán giá rẻ như hiện nay, lợi nhuận của hai công ty vẫn đang được đảm bảo. Nhưng đã có những dấu hiệu chứng tỏ, đối tác nắm thóp và ép giá thấp hơn, trong khi, người nông dân làm lúa không có lãi bỏ ruộng hay chuyển đổi cây trồng, đồng nghĩa, tiếp tục cách làm ăn này, hai tổng công ty lương thực sẽ tự gây khó cho mình. Điều này có đúng không thưa ông? Vậy thì phải lý giải sự trì trệ không chịu thay đổi của họ như thế nào?
GS Võ Tòng Xuân: – Như tôi đã nói ở trên các doanh nghiệp, Tổng công ty lương thực đang rất thụ động, không muốn đi tìm, mở rộng thị trường cho gạo Việt Nam ở những nơi họ đang cần (ví dụ châu Phi). Họ đã không làm những động tác này và không bảo đảm được đầu ra cho nông dân mà lại dựa vào nhà nước để thu mua tạm trữ.
Tới đây việc tạm trữ cũng không làm nữa vì lúa không bán được và mặc dầu lãi suất ngân hàng được nhà nước bao cho nhưng rồi mọi việc từ kho bãi cũng như quản lý khối lượng lúa lớn cũng làm cho các doanh nghiệp này thất thoát rất nhiều.
Những thất thoát này khi hạch toán thì nhà nước chịu nhưng mà trong việc trao đổi hàng hóa thì những người lãnh đạo của các đơn vị này cũng không bao giờ lo bởi xét cho cùng thì nhà nước lỗ. Những cái thu nhập thêm ở dưới ‘gầm bàn’ họ không khai ra. Họ có những quyền đặc lợi như vậy càng làm cho bà con nông dân chúng ta càng khốn khổ thêm.
PV: – Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nếu không giải bài toán phụ thuộc hai đầu: đầu vào (giống, thuốc trừ sâu, phân bón…); đầu ra (xuất khẩu giá rẻ) bóp nghẹt người nông dân, có thể thấy trước kết quả của sự tái cơ cấu này ra sao? Muốn tránh được viễn cảnh đó, điều đầu tiên cần phải làm là gì?
GS Võ Tòng Xuân: – Tái cơ cấu mà cứ trồng lúa kiểu bình thường như hiện nay thì sẽ không có kết quả gì hết. Mọi thứ rồi đâu cũng vào đó thôi.
Cho nên vấn đề của chúng ta hiện nay là tái cơ cấu phải có ràng buộc từ người lãnh đạo ở trên là Bộ Công thương cho tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Tổng công ty. Phải làm cho các doanh nghiệp thấy được bổn phận của họ không phải là đi bán gạo nữa mà phải đi tìm thị trường rồi xác định nhu cầu, nguồn hàng rồi mới giao cho công ty lương thực (kể cả công ty tư nhân) ở các tỉnh.
Các công ty này sẽ tổ chức đúng loại gạo, đúng thời điểm cần để cung cấp cho các khách hàng nước ngoài. Tức là các doanh nghiệp đứng vai trò là công ty trung gian chứ không phải ngồi đó rồi có người tới và bắt chẹt người nông dân mua giá thấp rồi đi xuất khẩu kiếm lời.
Nếu làm triệt để được theo cách bộ phận quản lý ở trên lo thị trường, các doanh nghiệp con, công ty con sẽ thực hiện những hợp đồng với các công ty nước ngoài và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất ổn định theo đúng tiêu chuẩn VietGap hoặc Global Gap.
Có làm như thế thì mới mong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Còn vẫn như kiểu cũ thương lái nộp gạo gì bán gạo đó thì chúng ta sẽ suốt đời đuổi theo giá thấp và người nông dân sẽ luôn bị khổ và thiệt thòi. Quan trọng hơn ngành nông nghiệp sẽ dần mất đi vị thế của mình.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Có thể bạn quan tâm: