Hiện nay, diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn tỉnh khá nhiều nên sản lượng thu được hàng năm của bà con nông dân không cao. Gần đây, một số hộ dân thực hiện lai ghép cho cây cà phê già cỗi, mang lại hiệu quả đáng kể.
Cũng như nhiều hộ nông dân trồng cà phê quanh khu vực, anh Nguyễn Thiện Liêm, ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) luôn trăn trở vì diện tích trồng cà phê cho thu hoạch ngày càng thấp. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp như tăng cường chăm sóc, bón phân nhưng 2 sào cà phê 11 năm tuổi của anh Liêm vẫn cho thu hoạch thấp, không đủ bù vào chi phí. Giải pháp chặt bỏ cây cũ, trồng cây mới bị anh loại trừ vì kinh phí đầu vào cho việc trồng cà phê con hiện khá cao. Hơn nữa, phải mất 3 năm thì cây cà phê mới cho thu hoạch, nên không đảm bảo về mặt kinh tế.
Năm 2009, qua hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện Thống Nhất, anh Liêm mạnh dạn cắt bỏ hơn 2 sào cà phê già cỗi của gia đình, sau đó mua giống mới TR4, TR5 về ghép trên gốc cũ. Qua thời gian chăm sóc, vườn cà phê ghép của anh Liêm phát triển ngoài sự mong đợi.
Nói về hiệu quả của việc lai ghép giống đối với cây cà phê già, Anh Liêm hào hứng cho biết: “So với cây cà phê phát triển bình thường thì cà phê ghép có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, cây khỏe mạnh. Thứ hai, cành khỏe và vươn rất dài, do đó cây ít bệnh tật hơn. Nếu như trồng mới thì phải mất 36 tháng sau mới cho thu hoạch, còn cây ghép chỉ khoảng 20 tháng nông dân đã được hưởng lợi. Đây là lợi thế lớn có thể giúp các hộ dân cải tạo vườn cà phê già cỗi, sớm cho lợi nhuận cao”.
Anh Liêm đang thu hoạch cà phê ghép.
Theo anh Liêm, ghép cà phê không khó, mọi người đều có thể thực hiện được trên diện tích cây trồng của mình. Ngoài chi phí đầu vào thấp, ít sâu bệnh, rút ngắn thời gian cho thu hoạch thì cà phê ghép còn cho năng suất cao hơn cà phê thường. Ví dụ, sau 20 tháng cà phê ghép cho lứa trái đầu tiên, đạt khoảng 1kg/gốc. So với cây cà phê trồng theo kiểu truyền thống, phải 36 tháng mới cho năng suất nhưng chỉ từ 0,7-0,8 kg/gốc. Hiện tại, những cây cà phê lai ghép của anh Liêm đang trĩu quả, chuẩn bị hái. Trong khi đó, nhiều vườn cà phê khác lại rất èo uột.
Đánh giá về mô hình trồng cà phê lai ghép, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thống Nhất Nguyễn Văn Lê cho biết, toàn huyện có gần 600 hécta diện tích cà phê già cỗi cần phải cải tạo. Vì vậy, việc ghép giống cà phê mới vào gốc cũ như vườn của anh Liêm là rất cần thiết. Chính quyền địa phương đánh giá cao những nỗ lực của anh Liêm trong việc lai ghép cây cà phê thành công. Hiện tại, ngành chức năng đang khuyến khích nông dân mạnh dạn nhân rộng mô hình trồng cà phê ghép để tăng năng suất cũng như hiệu quả kinh tế.