Thu phí xuất khẩu cà phê: Mục đích chưa thuyết phục

Mục đích xây dựng quỹ rất tốt nhưng chưa có kế hoạch sử dụng hiệu quả, rõ ràng.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đang thuyết phục từng doanh nghiệp (DN) thành viên về việc thu quỹ bảo hiểm xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, kế hoạch thu 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu từ tháng 10 năm nay của VICOFA sẽ khó thành, bởi các DN chưa rõ vào cơ chế quản lý, sử dụng quỹ.

Xuất khẩu cà phê

Mục đích chưa đủ thuyết phục

Theo phương án của VICOFA, khoảng 50%-70% nguồn thu của quỹ này sẽ chi cho công tác tái canh vùng trồng cà phê, 30% để hỗ trợ lãi suất tạm trữ, phần còn lại cho các hoạt động xúc tiến thương mại. VICOFA lập luận, diện tích cà phê già cỗi của Việt Nam đang tăng nhanh, nếu không tích cực tái canh thì 10 năm nữa, Việt Nam sẽ mất vị thế hiện có trên thị trường xuất khẩu cà phê thế giới.

Tuy nhiên, việc thu phí vẫn chưa nhận được sự thống nhất từ DN. Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Nestlé Việt Nam, cho biết: “Việc thu phí sẽ làm giảm tính cạnh tranh của DN xuất khẩu cà phê. Tái canh cà phê liệu có phải là điều nông dân đang cần lúc này? Dù chưa có bất kỳ một quỹ nào thì hằng năm họ vẫn tự tái canh 5%-10% diện tích cà phê của mình. Bộ NN&PTNT mới ban hành quy trình tạm thời về việc tái canh. Theo quy trình, nông dân phải nhổ cây cà phê già cỗi lên, bỏ đất không 2-3 năm mới có thể trồng lại cây mới. Thử hỏi trong hai năm đó nông dân làm gì? Còn với mục đích tạm trữ, dĩ nhiên sẽ tránh được rớt giá cà phê ồ ạt nhưng liệu nông dân có được hưởng lợi hay không, hay lại như ngành gạo – mua tạm trữ nhưng nông dân vẫn kêu khó khăn?”.

Theo ông Tuấn, ông không đồng tình với việc thu phí này. Nói là thu từ xuất khẩu nhưng thực chất là gián thu của người nông dân. DN chẳng bao giờ chịu lỗ, khi phải đóng phí, DN sẽ tính vào giá thu mua cà phê và nông dân vẫn là người chịu thiệt.

Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Chế biến Cà phê Xuất khẩu Dak Man, đồng tình với phương án thu phí nhưng băn khoăn: “Nông dân tái canh cà phê nếu có được hỗ trợ phân, giống cũng không đáng kể, còn nông dân trồng mới hoặc có cà phê đang kinh doanh bình thường lại càng không được gì. Riêng việc tạm trữ cà phê sẽ giúp tránh được tình trạng xuất khẩu ồ ạt khi giá thấp, đến lúc giá cao thì không còn hàng, song nếu giá lên thì lợi nhuận cũng thuộc về DN tạm trữ chứ đâu phải nông dân”.

Nhà nước nên quản lý quỹ

Ông Bằng cho rằng điều quan trọng nhất là phải tìm ra phương án sử dụng quỹ một cách hợp lý nhất. Hầu hết DN đều không “phục” khi để VICOFA quản lý quỹ này, vì vậy nên giao cho Nhà nước quản lý là tốt nhất.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Tuấn, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cũng cho rằng vấn đề không phải là nên hay không nên thu phí xuất khẩu cà phê, mà là ai sẽ đứng ra bảo đảm số tiền đó được sử dụng hiệu quả. Nhà nước hay VICOFA đều được miễn là việc sử dụng quỹ công khai, minh bạch, thực sự mang lại hiệu quả cho nông dân và toàn ngành. Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê được coi là cơ chế tích cực để hỗ trợ tái canh cà phê. Tuy nhiên, việc xác định nông dân nào được nhận tiền tái canh, nhận như thế nào, tái canh thế nào… thì chưa được nhắc đến.

Có DN cho rằng hiệp hội sử dụng quỹ vào những hoạt động có ích cho DN như nâng cao kiến thức kinh doanh, thuê đơn vị tư vấn, mua thông tin thị trường từ các hãng tin chuyên nghiệp, thuê chuyên gia phân tích thị trường… thì DN sẽ ủng hộ hơn.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch VICOFA, cho biết VICOFA đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT đổi tên quỹ thành Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê. Quỹ này nên sử dụng hỗ trợ cho cả sản xuất chứ không chỉ xuất khẩu, thống nhất sử dụng phần lớn tiền quỹ này đầu tư cho tái canh cà phê. Hiệp hội đang tiến hành thuyết phục, tiếp thu ý kiến từ phía DN, phản hồi từ nông dân và lên kế hoạch rõ ràng việc tái canh, tạm trữ. Đồng thời, hiệp hội có ban kiểm soát về việc thu phí, sử dụng quỹ một cách công khai, minh bạch để có hiệu quả tốt nhất. “Nếu không thu phí để đầu tư tái canh thì 10 năm nữa, Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ tư, thứ năm về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Hơn nữa, nếu không thu phí để tái đầu tư cho cây cà phê thì DN sẽ không có cà phê để xuất khẩu” – ông Tự nói.

Sao không thu của DN FDI?

Cả nước đang có 12 DN FDI thu mua hơn 50% khối lượng cà phê xuất khẩu hằng năm, nếu không thu phí những đối tượng này mà chỉ thu phí xuất khẩu của DN trong nước là không công bằng. Riêng quy trình tái canh tính ra đã phải mất khoảng 1 tỉ USD. Giả sử VICOFA thu phí của tất cả DN xuất khẩu, số tiền thu được cũng chỉ khoảng 1 triệu USD/năm, nếu sử dụng vào các mục đích hỗ trợ tái canh, lãi vay tạm trữ, xúc tiến thương mại… thì số tiền này xem ra rất nhỏ.

PHẠM NGỌC BẰNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Chế biến Cà phê Xuất khẩu Dak Man

Hễ xuất khẩu là thu phí

Đối tượng thu phí sẽ bao gồm tất cả DN có xuất khẩu cà phê. Hiệp hội đang thuyết phục các DN thành viên, sau đó sẽ thông báo cho các đối tượng DN ngoài hiệp hội thống nhất thực hiện.

Ông LƯƠNG VĂN TỰ, Chủ tịch VICOFA

Quỹ phải do Nhà nước điều hành

VICOFA đang đề xuất giao cho hiệp hội điều hành Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê vì có thể quản lý tốt DN trong ngành. Ngược lại, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn lại cho rằng nên thành lập một ủy ban kiểm soát quỹ cà phê. Quỹ này tốt nhất là do Nhà nước quản lý, có vậy mới thống nhất được DN toàn ngành, việc thu phí mới tiến hành được thuận lợi, việc sử dụng quỹ sẽ minh bạch, hiệu quả hơn.

TS NGUYỄN VĂN HÒA, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT

Nguồn Báo Pháp Luật