Nông sản sẽ hướng vào tiêu dùng nội địa

Xuất khẩu nông sản năm 2012 được dự báo là sẽ rất khó khăn. Vì vậy trong năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường trong nước.

Trao đổi với NTNN, ông Đào Văn Hồ – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: Những khó khăn đối với xuất khẩu (XK) nông sản trong năm 2012 của Việt Nam chủ yếu do lợi thế cạnh tranh về giá đang giảm dần, bởi áp lực lạm phát đã làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến giá XK cũng bị đẩy cao. Với cà phê, năm 2012 dự báo sẽ sụt giảm về sản lượng và giá. Còn mặt hàng thủy sản sẽ vẫn gặp khó khăn do các nước đặt ra hàng rào kỹ thuật mới, các tiêu chuẩn mới, kiểm dịch chặt chẽ hơn…

73_6_nong-san

Trong bối cảnh khó khăn về XK, doanh nghiệp nên tập trung khai thác thị trường trong nước.

Với những khó khăn như vậy, theo ông các doanh nghiệp XK nông sản của Việt Nam cần phải làm gì trong bối cảnh này?

– Theo tôi, trong bối cảnh XK khó khăn, thị trường trong nước đang được nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác. Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh trong nhiều năm qua; mức độ đô thị hóa của nước ta cũng tăng nhanh; dân số đông với 86 triệu người, trong đó gần 70% dân số ở độ tuổi dưới 35, là độ tuổi có mức chi tiêu dùng cao nhất; chi tiêu của người tiêu dùng tăng khoảng 18%/năm và tổng mức bán lẻ tăng khoảng 20%/năm; thị trường nông thôn có tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập tăng thêm rất cao… Đó là những hấp lực lớn cho việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản chất lượng cao tại thị trường trong nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp sẽ phải đối phó với sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, khâu tiêu thụ sản phẩm được đánh giá là khâu quan trọng nhất, theo ông, đâu là những giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản của nước ta ?

– Để đạt mục tiêu phát triển thị trường trong nước, hoạt động xúc tiến thương mại nội địa cần thực hiện các giải pháp như: Đổi mới cơ chế chính sách, trước hết về tài chính. Đồng thời, sớm ra đời Quỹ xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch, thay cho quỹ hỗ trợ cho XK đã được hủy bỏ. Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho cán bộ các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, các hiệp hội ngành hàng. Tăng cường kỹ năng tiếp thị, bán hàng của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ điện tử, tăng cường năng lực khai thác, tiếp nhận, phân tích, xử lý, dự báo thông tin trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông…

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chiếm ưu thế về số lượng trên thị trường quốc tế, tuy nhiên giá trị XK lại thấp hơn nhiều nước khác, theo ông đâu là hạn chế?

– Tuy Việt Nam đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng khối lượng hàng hóa còn nhỏ bé, thị phần trên thế giới thấp, chất lượng chưa đồng đều và ổn định. Chúng ta chưa hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng tươi sống và vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến lớn theo yêu cầu kỹ thuật và kinh tế. Mặt khác, năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, chế biến và XK nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện tự do hóa thương mại, đặc biệt là khâu marketing, dự tính dự báo thị trường. Chủng loại hàng hóa XK của chúng ta vẫn còn khá đơn điệu, chưa có sự thay đổi đột biến về chất lượng, xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào một vài mặt hàng chủ lực, truyền thống như gạo, cà phê, cao su, hải sản…

Nguồn Thanh Xuân