Nguồn cung cà phê niên vụ 2011-12 có thể thiếu hụt!

Ngày 5/11, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức Hội nghị tổng kết niên vụ 2010-11 và bàn phương hướng hoạt động niên vụ 2011-12 tại TP.HCM.

Anhkem bai Tong ket ca pohe1320482490_1320482505__340x250

Ký kết thỏa thuận vốn giữa VICOFA và Agribank.

Một niên vụ bội thu…

Ông Nguyễn Nam Hải-Phó chủ tịch thường trực VICOFA cho biết, niên vụ 2010-11 là năm thuận lợi cho ngành nông sản nói chung và cà phê nói riêng khi giá cà phê Robusta có thời điểm đạt trên 2.600 USD/tấn, mức giá cao nhất trong vòng 13 năm qua. Niên vụ này cũng đánh dấu sự nỗ lực của người trồng cà phê và các Bộ ngành, doanh nghiệp (DN) khi duy trì được diện tích cà phê ổn định với 530.000 ha, sản lượng gần 1,3 triệu tấn, xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn (tương đương 2,7 tỷ USD), vượt cả lượng lẫn giá trị so với niên vụ trước.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu của cà phê Việt Nam đã mở rộng tới gần 80 quốc gia trên thế giới, trong đó những nước nhập khẩu cà phê từ Việt Nam nhiều có Hoa Kỳ (141 ngàn tấn), Bỉ (108 ngàn tấn), Trung Quốc (28 ngàn tấn)…

Niên vụ 2010-11 cũng là năm đánh dấu sự gia tăng thị phần của các DN FDI khi họ chỉ có 13/159 DN tham gia xuất khẩu cà phê nhưng lại chiếm tới 38% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là một thách thức lớn đối với các DN cà phê Việt Nam, nếu không có chiến lược kinh doanh bài bản thì sẽ nhanh chóng bị mất ưu thế ngay tại sân nhà.

Cũng theo ông Hải, do giá cà phê trong thời gian qua luôn ở mức tương đối cao nên tại nhiều địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc.. người nông dân đã thực hiện áp dụng kỹ thuật trồng trọt, thâm canh cà phê theo qui trình VietGAP, 4C, UTZ… và nhiều DN đã quan tâm vào chương trình này. Tuy nhiên, tình trạng hái cà phê xanh hiện nay vẫn diễn ra phổ biến và có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến chất lượng, đặc biệt là cà phê Arabica. Nguyên nhân là do giá cà phê tăng cao, người dân sợ mất trộm, chi phí nhân công thu hái quá cao; trong khi đó các DN thu mua cà phê lại không phân biệt rõ về giá giữa cà phê chín và cà phê xanh nên không khuyến khích được người dân.

Đặc biệt, ngành cà phê trong niên vụ 2010-11 vẫn còn bộc lộ một số điểm yếu như chưa hoàn thiện cơ chế chính sách cho ngành cà phê nên việc sản xuất chế biến, xuất khẩu chưa gắn kết với việc tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết giữa 4 nhà còn yếu, thể hiện lớn nhất là DN mới chỉ chú trọng kinh doanh xuất khẩu chứ chưa thực sự đầu tư trực tiếp cho dân; do quá nhiều đầu mối xuất khẩu cà phê nên ngân hàng cũng bị động trong việc đầu tư vốn cho sản xuất, DN với điều kiện đảm bảo có hiệu quả không bị thất thoát vốn, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tài chính, giảm đầu tư công hiện nay.

Nhiều khả năng khan hiếm nguồn cung cho niên vụ tới

Theo dự báo của Tổ chức cà phê thế giới (ICO), sản lượng cà phê niên vụ 2011-12 tại các quốc gia như: Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Colombia… sẽ giảm từ 10 – 27% do bị đe dọa bởi thời tiết xấu và dịch bệnh. Dự kiến sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ tới chỉ đạt khoảng 129,5 triệu tấn, giảm khoảng 3,1% so với niên vụ 2010-11, trong khi đó nhu cầu dùng cà phê trên toàn thế giới cần tới 135 triệu tấn. Điều này có thể dẫn tới việc khan hiếm nguồn cung cà phê trong niên vụ tới.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ các địa phương, thời gian gần đây do mưa nhiều, việc chăm sóc cà phê có phần hạn chế nên hiện tượng cà phê rụng quả hàng loạt đã diễn ra trên khắp Tây Nguyên. Từ đầu tháng 8/2011 đến nay, Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đắc Nông phối hợp với Trạm BVTV các huyện, thị xã trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra và thống kê được toàn tỉnh có khoảng 11.675 ha cà phê bị rụng quả hàng loạt trong tổng số hơn 75.000 ha cà phê. Đồng thời từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục xảy ra mưa bão khiến quả rụng sớm và việc phơi sấy gặp nhiều khó khăn hơn. Mặt khác, diện tích cà phê già quá 20-25 năm chiếm tới 25-30% (137.000 ha/530.000 ha) vì vậy nguồn cung sẽ có khả năng khan hiếm và dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2011-12 chỉ ở mức 1,1 triệu tấn.

Để đảm bảo nguồn cung cà phê cho xuất khẩu, VICOFA đã đề nghị Bộ Nông nghiệp & phát triển Nông thôn cùng các Bộ ngành liên quan tổ chức cuộc họp giữa các DN xuất khẩu cà phê với các ngân hàng thương mại để huy động nguồn vốn thu mua cà phê, xuất khẩu và tạm trữ ngay từ đầu vụ. Dự kiến 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam sẽ thu mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê trong niên vụ này.

Đồng thời, VICOFA và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) cũng lễ ký kết thỏa thuận về vốn nhằm hỗ trợ vốn hiệu quả cho DN và các hộ sản xuất cà phê. Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank cho biết, với thoản thuận này Agribank sẽ cam kết hỗ trợ 5.000 tỷ đồng cho các DN, hộ sản xuất cà phê, Hợp tác xã… với mức lãi suất ưu đãi. Hiện tại, Agribank đã giải ngân được khoảng 700 tỷ đồng cho 400 DN và 100 hộ trang trại kinh doanh cà phê. Trong thời gian tới, Agribank sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những DN đủ điều kiện vay vốn và các hộ kinh doanh cà phê có hiệu quả.

Phuong Uyen