Biến đổi khí hậu, cạnh tranh gay gắt về nguồn cung trên thị trường đang tạo cho ngành cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng khá nhiều áp lực, cần chiến lược phù hợp để phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu cà phê của cả nước đạt 1,2-1,5 triệu tấn, riêng niên vụ 2015-2016 đạt 1,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 3 tỷ USD, tăng 34,8% về lượng và 17,2% về giá trị so với niên vụ trước. Cũng trong niên vụ này, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5 về xuất khẩu cà phê hòa tan, chỉ đứng sau Brazil, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Việc mở cửa thị trường, tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng đang mang lại nhiều lợi ích, cơ hội cho cà phê Việt Nam. Trước đây, các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng đều bị đánh thuế tương đối cao, lên đến 10%. Trong những vòng đàm phán vừa qua, Bộ Công thương đã thỏa thuận với các đối tác, mức thuế theo đó đã được điều chỉnh từ 0%-5% (tùy mặt hàng). Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến chuyên sâu để gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam.
Tại Đắk Lắk, niên vụ vừa qua xuất khẩu được 196.391 tấn (tăng 10,9% so với niên vụ 2014-2015), chiếm tỷ trọng 11,26% so với cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 356 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,3% so với cả nước. Riêng xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 4.520 tấn (tăng 79 tấn so với niên vụ kề trước), chiếm 2,3% số lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh, kim ngạch đạt 26,8 triệu USD, chiếm 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đáng chú ý là ngoài những thị trường truyền thống: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản…, niên vụ 2015-2016, các nhà xuất khẩu đã tiếp cận, mở rộng thêm một số thị trường mới tiềm năng gồm: Genoa, Genova, Guatemala, Iran, Panama.
Theo Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng cũng như việc cạnh tranh ngày càng gay gắt, để giữ vững thị trường hiện có cũng như chiếm lĩnh thị trường mới, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ, đơn vị tiếp tục có những chiến lược để cung ứng nguyên liệu trực tiếp cho các nhà rang xay, đồng thời duy trì kênh bán hàng trực tiếp và chuỗi cung ứng từ người sản xuất đến người sử dụng.
Cơ hội đến từ những thách thức
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh, ngành cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thách thức này sẽ là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam xác định đâu là chiến lược hợp lý nhất cho sự phát triển bền vững của cây cà phê, nhất là trong công tác quy hoạch (trồng cà phê sẽ được cái gì, thu nhập ra sao so với các cây trồng khác). Biến đổi khí hậu cũng đặt ra cho Đắk Lắk những thách thức mới và phá vỡ các các quy trình kỹ thuật, quy chuẩn trong truyền thống sản xuất trước đây. Cho nên, tất cả các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ theo đó cũng cần có sự điều chỉnh để xây dựng một mô hình canh tác mới, tương tác cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, không những tạo ra giá trị ổn định về mặt chất lượng, sản lượng mà quan trọng nhất là tạo ra giá trị nguồn thu cho người dân cũng như bảo đảm nguồn thu lâu dài cho tỉnh.
Một thách thức nữa là các cây trồng khác có xu hướng cạnh tranh sẽ chia sẻ diện tích đất canh tác với cà phê. Hiện nay, người dân đã tự chuyển đổi một phần diện tích cà phê để trồng xen các loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hoặc cây công nghiệp khác. Chính thách thức này lại mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp, đó là có thể phát triển để Đắk Lắk không chỉ là thủ phủ cà phê mà còn trở thành thủ phủ của một loại cây gia vị, cây ăn quả nào đó. Vì vậy, ngành cà phê Đắk Lắk cần xây dựng chiến lược mới trong phát triển để trong tương lai, Đắk Lắk là tỉnh có chất lượng cà phê Robusta hàng đầu Việt Nam và thế giới, chứ không đơn thuần chỉ đứng đầu về sản lượng.
Còn ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, trong xu thế mới, nguồn thu chính từ cà phê sẽ đến từ các nhà rang xay, chế biến sâu. Niên vụ vừa qua, xuất khẩu cà phê hòa tan chiếm 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước, đây là một trong những điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của ngành cà phê. Điều này cũng cho thấy, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách nâng cao giá trị gia tăng cà phê bởi chỉ có các sản phẩm chế biến sâu mới giúp ngành cà phê không bị chi phối, ảnh hưởng nhiều bởi sự biến động về giá trên thị trường thế giới.
Có thể thấy, đến nay, ngành cà phê Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu trồng, chế biến và đạt vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhân. Đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu; sự chia sẻ về diện tích đất canh tác của những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao khác; sự cạnh tranh khốc liệt trong hội nhập, bên cạnh việc cố gắng giữ được vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhân, việc thay đổi chiến lược phát triển, trong đó tập trung cho cà phê hòa tan, có giá trị gia tăng là vấn đề cấp thiết để đưa ngành cà phê sang thời kỳ phát triển mới: năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng.