Lễ hội Tây Nguyên: Có nên duy trì lễ đâm trâu?

Đây là một câu hỏi đã được nhiều người, nhiều lần đặt ra nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đưa ra một câu trả lời chính thức nào. Có một số luồng ý kiến khác nhau về việc không nên tiếp tục duy trì các lễ đâm trâu ở Tây Nguyên.

Các nhà bảo vệ động vật hoang dã xếp con trâu vào loại cần được bảo vệ. Số khác thì cho rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp” của nhà nông, chúng ta vẫn còn đang thiếu sức kéo, không nên lãng phí như vậy. Số khác lại lên án đây là một tập quán dã man, cần phải loại bỏ…

Lễ hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu.

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, dù khoa học có tiến bộ đến đâu thì con người, bất cứ là dân tộc nào, cư trú ở địa bàn nào, cũng vẫn đều có một chỗ dựa về tâm linh. Chính vì thế mà đã xuất hiện các tôn giáo. Mỗi tôn giáo có luật định, đức tin và tín đồ riêng của mình. Người Tây Nguyên cũng vậy. Từ thuở ban sơ, do không lý giải được những tác động của tự nhiên, người Tây Nguyên cổ đại tin có những thế lực siêu linh tồn tại, dẫn đến phải thờ phụng, cúng bái nhiều vị thần linh để được yên ổn và may mắn trong sản xuất, trong đời sống cộng đồng. Tín ngưỡng “đa thần” xuất hiện từ đó.

Hệ thống các thần linh của người Tây Nguyên cổ xưa khá đông đảo và có đủ mọi tình cảm “hỷ, nộ, ái, ố” có thần tốt, thần xấu. Đồng bào quan niệm nếu không cúng kiếng đầy đủ dễ dẫn đến việc các thần nổi giận. Tùy theo công việc mà cầu xin và dâng tặng lễ vật lớn nhỏ. Lễ bao giờ cũng phải có ghè rượu và con thịt, ít thì một con gà, một ghè rượu nhỏ, nhiều là vài ché, thậm chí hàng chục ché lớn nhỏ cùng với con thịt lớn hơn như heo, bò…Trong số các vật hiến sinh được lựa chọn để dâng tặng, con trâu được coi là lễ vật lớn nhất và thanh sạch nhất. Khác với voi và bò, trâu ở Tây Nguyên có nhà nuôi hàng đàn nhưng chỉ để làm vật hiến sinh cho các lễ thức, không được dùng trong bất cứ một việc gì khác, dù chỉ là để làm sức kéo. Đồng bào sợ nhất khi làm lễ đâm trâu mà con vật không chết, lại bứt dây chạy vuột. Đó là điềm xấu cho buôn, bon, kon, plei (hay gia đình), báo hiệu mùa màng có thể bị thất thu. Những dũng sĩ trong đội đâm trâu lập tức bị loại, chọn người khác thay thế.

Đây hoàn toàn không phải là hình thức thể hiện tính thượng võ của người Tây Nguyên, như một số nhà báo đã bình, mà họ chỉ cần lựa chọn những người mạnh khỏe, khéo léo, có tài săn bắn để bảo đảm việc đâm trâu được hoàn tất, không xảy ra sự cố mà thôi.

Do tính cộng đồng trong sinh hoạt đời sống mọi vùng trên Tây Nguyên rất đậm nên các lễ thức thường gắn liền với hội (trừ các lễ quá nhỏ của một gia đình). Bởi đây không chỉ là dịp cầu xin hay tạ ơn các thần linh, mà còn trả nghĩa cha mẹ già, gặp gỡ dòng họ, gia đình, bè bạn… nên giữa các phần nghi lễ, thường có những quãng thời gian thư giãn. Sự xuất hiện của nghệ thuật diễn xướng ca múa nhạc dân gian, các hình thức vui chơi, nhất là hát-kể trường ca, cổ tích là nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần của con người, là yếu tố để lễ trở thành hội. Đâm trâu chỉ là một trong những nghi thức nằm trong các Lễ – Hội, chứ không hề tồn tại một “lễ hội đâm trâu” riêng như có người vẫn nhầm gọi. Tuy nhiên, đa số các tộc người Tây Nguyên hiện nay đã chuyển đổi tín ngưỡng, từ đa thần sang độc thần. Do sự chuyển đổi này mà hình thức ăn trâu có cúng Yang của Tây Nguyên chắc chắn sẽ mất hẳn

Vậy có nên tôn trọng tín ngưỡng riêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như nó đã vốn có không? Câu trả lời chắc chắn là: Nên !Tuy vậy, mọi tín ngưỡng nếu giáo điều đều dẫn tới sự mê tín, dị đoan, thậm chí là mê muội. Do đó :

– Cần có sự hướng dẫn, loại bỏ dần những yếu tố mê tín, gìn giữ lấy những nét tinh hoa trong phong tục tập quán riêng của mỗi vùng, mỗi tộc người. Ví dụ: nếu trước đây lễ hội kéo dài 6-7 ngày thì nay chỉ nên duy trì 1-2 ngày mà thôi. Cần giảm bớt những lễ thức rườm rà, tăng phần hội, tạo môi trường diễn xướng cho mọi hình thức văn nghệ dân gian cổ truyền, thậm chí cả nhu cầu ca hát mới của lớp trẻ, được phát huy. Từ 2-3 năm một lần, tổ chức luân phiên mời các cộng đồng lân cận, để giao lưu và tăng thêm phần hội vui trong vùng .

– Một số lễ trọng của cộng đồng nên duy trì như một ngày hội truyền thống của địa phương (như lễ cúng bến nước, uống nước giọt vào những dịp cuối hay đầu năm, ăn cơm mới sau khi thu hoạch xong mùa vụ, lễ bắt đầu vào mùa sản xuất như cầu mưa, dọn rẫy…). Những lễ của gia đình như chúc thọ người già, thổi tai hay đặt tên cho trẻ sơ sinh, cắt việc hay lễ cưới hỏi cho thanh niên đến tuổi trưởng thành, bỏ mả cho người đã khuất… cũng nên khuyến khích bà con duy trì với hình thức là nét đẹp văn hóa dân tộc và tiết kiệm. Cũng có thể gắn kết các lễ nghi truyền thống với những ngày kỷ niệm đã mang tính quốc gia (như ngày 8-3, ngày 1-10, ngày 26-3…).

Nguồn Báo Đaklak