Hiệu trưởng bị bắt, nhiều giáo viên lo mất trăm triệu tiền “chạy việc”

Nhiều giáo viên lo lắng khi đưa hàng trăm triệu đồng để chạy việc nhưng không thành công. Hiệu trưởng nhận tiền chạy việc bị bắt, số tài sản trên có nguy cơ bị mất trắng.

Vừa qua, Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Bê bị bắt vì nhận 300 triệu đồng của một người dân để chạy việc. Ngoài trường hợp trên, hàng chục giáo viên, người dân cho biết cũng đưa hàng trăm triệu đồng cho ông Bê để chạy việc dẫn đến cảnh “tiền mất, tật mang”.

Lo mất việc, mất luôn tiền

Mấy ngày nay, gia đình cô giáo Đinh Thị Đ. (ngụ Ea Kly) như ngồi trên đống lửa khi hay tin ông Bê bị bắt. Gia đình cô Đ. lo cho số tiền 160 triệu đồng đã giao cho ông Bê trước đó không đòi lại được.

Theo lời cô Đ., năm 2015, cô được ông Bê nhận vào Trường THCS Ngô Mây giảng dạy với giá 160 triệu đồng. Trong giấy tay viết nhận tiền, ông Bê ghi rõ “Tôi có vay của cô Đ. số tiền 160 triệu đồng. Sau này tôi sẽ hoàn trả”.

Đến tháng 8/2017, cô Đ. không được bố trí giảng dạy nên nhiều lần đòi tiền nhưng vị hiệu trưởng này không trả.

hieu-truong-bi-bat-nhieu-giao-vien-lo-mat-tram-trieu-tien-chay-viec

Giấy nhận tiền và đơn tố cáo ông Bê của nhiều giáo viên. Ảnh: Minh Quý.

“Tôi đã đến gia đình ông Bê đòi lại tiền nhưng nhiều lần ông Bê tránh mặt. Giờ ông Bê bị cơ quan điều tra bắt giữ, gia đình tôi không biết số tiền đó có đòi lại được hay không”, cô Đ. lo lắng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị B. (trú xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) cung cấp 2 tờ giấy viết tay ông Bê mượn 130 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bà B. hai giấy mượn tiền này thực chất là để xin việc cho con trai mình vào dạy tại trường THCS Ngô Mây.

Cuối “giấy mượn tiền”, ông Bê cam kết “số tiền này khi gia đình bà B. yêu cầu, tôi hoàn trả đủ”.

“Ông Bê nói chạy việc cho con trai tôi với giá 160 triệu đồng. Gia đình tôi giao cho ông Bê 130 triệu đồng, khi nào xin được việc sẽ giao 30 triệu đồng còn lại. Gần đây, khi xin không được việc, gia đình tôi đến đòi lại tiền nhưng ông Bê không trả”, bà B. kể.

Theo bà B. để có số tiền này gia đình phải đi vay mượn ngân hàng để đưa ông Bê. “Giờ ông Bê bị bắt, con trai tôi thì bị cắt hợp đồng, số tiền trên không biết có lấy lại được không”, bà B. lo lắng.

Tương tự hai trường hợp trên, nhiều giáo viên tại huyện Krông Pắk tin tưởng giao hàng trăm triệu đồng cho ông Bê để chạy việc. Tuy nhiên, hiện ông Bê bị bắt khiến số tiền trên có nguy cơ không lấy lại được.

Nhiều người gửi đơn tố cáo

Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết hiện ông Bê đang bị điều tra nên đơn vị chưa có quyết định kỷ luật.

“Sau khi ông Bê bị bắt, nhiều người gửi đơn đến UBND huyện tố cáo ông Bê nhận tiền để chạy việc. Hiện các đơn này chúng tôi đã chuyển cơ quan điều tra làm rõ theo thẩm quyền”, bà Trinh nói.

hieu-truong-bi-bat-nhieu-giao-vien-lo-mat-tram-trieu-tien-chay-viec

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với ông Bê. Ảnh: Minh Quý

Còn thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó Công an huyện Krông Pắk, xác nhận đơn vị đã tiếp nhận được một số đơn tố cáo của các giáo viên về việc ông Huỳnh Bê nhận tiền hứa xin việc. Tuy nhiên, sau đó ông Bê không xin được việc cũng không trả lại số tiền đã nhận.

“Việc giáo viên tố cáo ông Bê nhận tiền chạy việc chúng tôi cần thời gian xác minh cụ thể chứ chưa đưa ra được kết luận chính thức. Việc nhận tiền dưới hình thức ‘mượn’ của ông Bê, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ hành vi trên dân sự hay hình sự”, thượng tá Dân thông tin.