Giải pháp nào để tăng giá trị xuất khẩu nông sản?

Năm 2012, kỳ vọng vào sự tăng trưởng đối với nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn. Giải pháp nào để tăng giá trị xuất khẩu nông sản trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay?. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn -Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Chính sách nông nghiệp (IPSARD) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, xuất khẩu nông sản trong năm 2011 đã đạt được nhiều thành công, vậy trong năm 2012, dự báo về tình hình xuất khẩu nông sản sẽ ra sao?

Kết thúc năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã có mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, đạt 25 tỷ USD. Một loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam đã thắng lớn trên thị trường quốc tế như: gạo, thuỷ sản, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều… nguyên nhân của sự tăng trưởng ấn tượng này là nhờ vào sự tăng trưởng về giá, bởi trong năm 2011, giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều có mức tăng kỷ lục. Tuy nhiên, bước sang năm 2012, theo dự báo, khó khăn của nền kinh tế thế giới vẫn còn, thêm vào đó thị trường lại xuất hiện những “đối thủ” mới thì có thể giá của hàng nông sản trên thế giới sẽ giảm xuống hoặc là đi chậm lại so với trước. Vì vậy, xuất khẩu nông sản năm 2012 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2011.

Hơn thế nữa, trong năm 2012, nếu chúng ta muốn tăng tiếp về xuất khẩu nông sản, chỉ tăng về lượng mà không tăng về chất thì sẽ rất khó khăn. Một số lĩnh vực chúng ta đã đạt tới ngưỡng về lượng rồi, nghĩa là diện tích đã bị hạn chế và chúng ta không thể mở rộng diện tích để có thể tăng năng suất thêm được nữa. Do đó, nếu trong năm 2012 không có sự đột biến về giá thì kỳ vọng tăng trưởng sẽ rất khó đạt được.

 Picture 004

ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

PV: Triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2012 không có nhiều gam màu tươi sáng như năm 2011, vậy chúng ta nên khai thác điểm mạnh nào, thưa ông?

Đầu tiên là các lĩnh vực có tiềm năng cần khai thác, phải chú trọng vào những lĩnh vực như thuỷ sản – vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, hay là xuất khẩu chè – vẫn còn có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần khắc phục các điểm yếu như tranh mua, tranh bán, chất lượng sản phẩm không đảm bảo… , gây mất uy tín trên thị trường.

PV: Vậy, làm thế nào để tăng giá trị nông sản Việt Nam, thưa ông ?

Nông nghiệp là một trong những ngành có ưu thế cạnh tranh tốt nhất hiện nay. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để cạnh tranh và hội nhập sâu hơn nữa vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để giá trị nông sản tăng cao hơn, góp phần cạnh tranh tốt hơn, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, đưa các tiến bộ của khoa học kỹ thuật áp dụng vào nông nghiệp… từ đó mới nâng được giá trị của sản phẩm để những người lao động trực tiếp được hưởng lợi.

PV: Theo ông, trong thời gian tới, để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta cần có những giải pháp gì?

 

Giải pháp đầu tiên đó là cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về thể chế, để thông qua đó có thêm những chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra sáng kiến về hợp tác công – tư để kéo các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Đây là cơ hội tốt để khơi thông nguồn vốn khổng lồ và có thể kéo nông nghiệp Việt Nam đi lên.

Ngoài ra, cần xem xét hướng tới tổ chức lại các hiệp hội và ngành hàng để có sự nối kết hợp tác với nhau; tăng cường đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất, giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị nông sản, tăng chất lượng sản phẩm đầu ra… có như vậy, mới có thể thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống người nông dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Phạm Hằng