Doanh nghiệp cà phê gặp khó: Tích trữ và cạnh tranh manh mún!

Khi nông dân còn tích trữ và bán hàng theo tin đồn, khả năng liên kết kém thì doanh nghiệp cà phê trong nước còn “đói” trên sân nhà.

Tích trữ chờ “nước nổi, bèo nổi”…

Giữa tháng 3/2012, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cảnh báo các kho dự trữ cà phê ở các nước xuất khẩu đã giảm xuống 17,4 triệu bao trong vụ mùa 2011-2012, mức thấp nhất trong dự liệu của tổ chức này.

Tại Việt Nam, mấy năm gần đây, giá cà phê có xu hướng tăng tương đối cao đã khuyến khích hoạt động xuất khẩu và làm giảm các nguồn cung cấp. Đồng thời, khi giá cà phê giảm nhẹ trong ít thời điểm còn chủ yếu tăng khiến những dự đoán và hành động trên thị trường cà phê nội địa hiện rõ chiêu nông dân găm hàng chờ giá tăng theo kiểu “nước nổi, bèo nổi”.

caphe3

Tình trạng tư thương mua được cà phê với khối lượng lớn vẫn phổ biến tại Việt Nam

Trong khi đó, Tổ chức ICO lại đưa ra nhận xét, một khi thiếu sức bán từ Việt Nam thì giá cà phê thế giới còn ở mức cao hơn nữa. Thông tin này như bơm thêm một tia hy vọng cho các nông dân làm cà phê ở Việt Nam tăng khả năng tích trữ chờ tăng giá.

Thực tế, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm 22/3 đồng loạt tăng 100.000 đồng/tấn so với trước đó. Đơn cử, giá cà phê tại Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng quanh mốc 39,7 triệu đồng/tấn. Đến này 27/3/2012, giá cà phê nhân xô đã lên 40,4 – 40,5 triệu đồng/tấn, đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tất nhiên, khi thực tế còn có những dự đoán giá cà phê sẽ tăng thì thị trường cà phê trong nước không chỉ riêng chuyện găm hàng chờ tăng giá mà còn nhiều hệ lụy khác nhãn tiền.

Cạnh tranh thiếu minh bạch…

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (DN FDI) đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn/năm. Con số này cho thấy, các DN FDI đang thống lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê xuất khẩu tại Việt Nam.

Không ai có thể phủ nhận, để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu ha như ngày nay, Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học… Hơn thế, với vị thế “đá trên sân nhà”, lẽ ra các DN cà phê trong nước phải thắng thế, chí ít là sức cạnh tranh với các DN FDI. Nhưng thực tế ngược lại, các DN cà phê trong nước ngày càng lép vế để cho các DN FDI hưởng lợi.

Đến mức, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Lương Văn Tự, phải thốt lên trên báo chí rằng, “thực chất, chúng ta đang làm cho người khác hưởng”! Ông Tự phân tích, về mặt pháp lý, Nghị định 23 không cho phép các DN nước ngoài được mở mạng lưới gom cà phê trực tiếp nhưng trên thực tế, do mạnh về vốn, lại thừa kinh nghiệm thương trường, thương nhân FDI chỉ cần nhích giá mua lên chút đỉnh đã dễ dàng đánh bật DN nội ra khỏi “sân chơi”.

Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk còn cho biết, ngoài việc thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã mang danh nghĩa Việt Nam để lách Nghị định 23, nhiều doanh nghiệp FDI còn công khai việc trực tiếp thu mua cà phê của nông dân, nhưng cơ quan chức năng rất khó xử lý, vì Nghị định 23 nghiêm cấm doanh nghiệp FDI mua cà phê trực tiếp của nông dân, song Luật Đầu tư thì không cấm việc này.

Hơn nữa, khi độc quyền thu mua cà phê, DN FDI sẽ tự định đoạt giá cả, làm cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn…

Buôn không bạn, bán không phường?

Gần đây, báo chí đưa tin hầu hết các công ty kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đều gặp khó, thậm chí không ít đơn vị thừa nhận không còn đủ sức hoạt động, chờ phá sản…

caphe2

Nông dân tích trữ cà phê chờ tăng giá, DN cà phê Việt Nam lao đao

Đơn cử, chuyện Vinacafe Buôn Ma Thuột lộ khoản nợ 1.600 tỷ đồng như góp thêm vị đắng cho thương trường cà phê Việt Nam. Một trong các nguyên nhân là khả năng thu mua nguyên liệu giảm nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty này, mọi năm công ty thu mua được 100.000 tấn cà phê nhân, còn bây giờ chỉ mua được chưa tới 20.000 tấn.

Rõ ràng, khi các DN FDI càng tăng thị phần, hoặc chí ít chiếm thị phần áp đảo thì khả năng cạnh tranh của các DN cà phê khác (không phải FDI) trong nước nguy cơ “chết đói” trên chính sân cà phê của mình. Không ít DN nội đã phải mua lại nguyên liệu cà phê của DN nước ngoài để duy trì sản xuất và kinh doanh.

Thực trạng nhiều DN cà phê Việt Nam điêu đứng, bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn và chịu lãi suất ngân hàng cao, còn do khung hành lang pháp lý cho việc cấp phép cho DN FDI kinh doanh cà phê còn chưa chặt chẽ, khả năng giám sát hoạt động của các DN FDI còn lỏng nên xảy ra tình trạng “lách luật”, cạnh tranh thiếu minh bạch, gây khó cho DN trong nước, như đã nêu.

Theo cách người xưa nói “buôn có bạn, bán có phường”, xem ra chuyện kinh doanh cà phê ở Việt Nam đang bị buôn – bán kiểu không bạn, không phường, đặc biệt là các DN nội.

Biểu hiện là các DN trong nước chưa thực sự liên kết với nhau mạnh mẽ để hợp sức cả về vốn và phương thức tổ chức thu mua nguyên liệu. Các DN chủ yếu làm đơn lẻ nên dễ “mất sức” trong cuộc đua cạnh tranh với DN FDI. Và, khả năng lấy lòng tin của DN trong nước với nông dân trồng cà phê không cao nên bà con tích trữ hàng chủ yếu theo kho cá nhân, thay vì dựa vào kho của DN. Điều này còn dễ dẫn đến chất lượng nguyên liệu giảm sút, dễ bị ép giá.

Không những thế, nông dân sẽ bán hàng cho ai trả giá cao, nên các DN FDI sẵn vốn, lắm chiêu sẽ dễ mua được nhiều hàng hơn. Vì thế, cách làm “mạnh ai nấy bước” khá phổ biến hiện nay của cả nông dân lẫn DN trong nước khiến họ dễ gặp rủi ro.

Đó là, khi giá tăng, nông dân tranh thủ bán (cho bất cứ ai) kiếm lãi nhưng chưa biết chốt thời điểm nên nhiều khi vẫn hớ hoặc om hàng quá đà (vì dựa tin đồn sẽ tăng giá) nên lại lâm cảnh giá xuống thì bán tháo. Mặc dù trong sự may – rủi này, không thể trách nông dân, nhưng nông dân cũng chỉ được cái lợi trước mắt. Còn người gặp khó nhất chính là DN trong nước bị động về nguyên liệu.

Vì thế, trong khi chờ một khung hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ chặt chẽ để tạo môi trường kinh doanh minh bạch thì việc rất cần làm là các DN cà phê trong nước phải thực sự tin nhau kiểu “buôn có bạn”, hợp sức xây dựng lòng tin với nông dân giúp họ “bán có phường”. Điều này sẽ vừa giúp cho DN ổn định, yên tâm về nguồn nguyên liệu và nông dân cũng tránh được hệ lụy của kiểu làm ăn “xổi”./.

Nguồn VOV online