Những ngày gần đây, dư luận ở Tây Nguyên xôn xao trước thông tin hàng loạt “đại gia” xuất khẩu cà phê thua lỗ, nợ nần chồng chất…
Thực trạng này, cùng với sự lấn lướt của các doanh nghiệp FDI, cho thấy nguy cơ đổ vỡ, mất sân nhà của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê VN đã cận kề.
Đại gia nợ chồng chất
Công ty Đầu tư – Xuất nhập khẩu Đăk Lăk (INEXIM Đăk Lăk) từng là “anh cả” trong giới xuất khẩu cà phê của VN. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, INEXIM Đăk Lăk đã tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (70 tỷ đồng), đẩy mạnh xuất khẩu, là doanh nghiệp (DN) đầu tiên tham gia thị trường cà phê kỳ hạn, doanh thu mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng…
Cùng với khoản lỗ 99 tỷ đồng, nhà máy chế biến cà phê 110 tỷ đồng đang làm Vinacafe Dalat thêm nặng nợ.
Thế nhưng chỉ vài năm gần đây, INEXIM Đăk Lăk đã liên tiếp thua lỗ trong kinh doanh cà phê, dẫn đến mất vốn, nợ nần chồng chất. Tính đến tháng 4.2011, INEXIM Đăk Lăk lỗ lũy kế trên 80,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 3,6 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 365 tỷ đồng. Số nợ này chiếm đến 99% tổng nguồn vốn (tài sản) và lớn gấp 10 lần nguồn vốn chủ sở hữu của công ty. Điều này cho thấy INEXIM Đăk Lăk đã hết đường xoay xở, nếu bán hết tài sản hiện có cũng chưa chắc trả được những món nợ khổng lồ.
Cùng thời điểm, Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt (Vinacafe Dalat – một trong những “cánh chim đầu đàn” của Tổng Công ty Cà phê VN) cũng đang ngắc ngoải. Với nhà máy chế biến cà phê nhân công suất 100.000 tấn/năm, sản phẩm có chất lượng tốt, Vinacafe Dalat từng được nhiều khách hàng Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Thụy Sĩ… đặt mua với giá cao.
Vậy mà từ năm 2009 – 2010, Vinacafe Dalat thua lỗ 99 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 60 tỷ đồng, chưa kể nhà máy chế biến cà phê này đang gánh nợ 132 tỷ đồng… Cũng nằm trong top đầu các DN xuất khẩu cà phê của VN, Công ty TNHH thương mại Trúc Tâm (thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk) cũng vừa… sập tiệm.
Ông Trúc cùng vợ đã bỏ trốn ra nước ngoài, để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng. Công ty TNHH Trúc Tâm từng được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen, đoạt Cúp Vàng “Chất lượng Việt Nam” của Bộ KHCN, Cúp Vàng “Trái tim Việt Nam”…
Ông Nguyễn Văn Nghiêm – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết, số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thua lỗ có thể nhiều hơn, nhưng họ còn giấu giếm với hy vọng gỡ lại nên cơ quan chức năng chưa nắm được.
Vì đâu nên nỗi?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của các DN cà phê trong nước là đầu tư dàn trải, sử dụng vốn sai mục đích, lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn. Theo ngành chức năng, trước khi xây dựng nhà máy chế biến tại Lâm Đồng, Vinacafe Dalat đã được khuyến cáo lựa chọn quy mô 60.000 tấn/năm là phù hợp, song công ty vẫn đầu tư công suất 100.000 tấn/năm, khiến tiền vốn tăng lên 110 tỷ đồng trong khi kinh doanh không hiệu quả.
Nếu nhà máy trăm tỷ của Vinacafe Dalat chất đống hàng tồn kho thì tổng kho ngoại quan của Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buon Ma Thuot) cũng lãng phí không kém. Năm 2011, “đại gia” này đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng tổng kho hiện đại hơn 175.000m2, có sức chứa 30% tổng sản lượng cà phê mỗi niên vụ của VN tại KCN Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
Ngày 23.9.2011, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của tổng kho ngoại quan này vì công ty không đưa vào sử dụng sau 6 tháng thành lập. Cùng với 300 tỷ đồng “đắp chiếu”, Vinacafe Buon Ma Thuot còn thua lỗ nặng nề trong nhiều thương vụ xuất khẩu cà phê. Cục Thuế Đăk Lăk xác nhận trong năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012, Vinacafe Buon Ma Thuot không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, tức kinh doanh không có lãi.
Không “vung tay quá trán” như các DN trên, nhưng HĐQT INEXIM Đăk Lăk thừa nhận nguyên nhân thua lỗ là do trình độ quản lý, công tác lập kế hoạch của công ty chưa theo sát thực tế, hoạt động kinh doanh còn mang tính sự vụ. Bên cạnh đó là thiếu vốn, lãi suất cao, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt của các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi thị trường mở cửa.
Ông Lê Đức Thống – Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk, Trưởng ban Kiểm soát Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN – phân tích: “Cái thua của DN VN trước hết là lãi suất vay vốn cao gấp 7 – 8 lần DN nước ngoài, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế còn hạn chế, đặc biệt khi tham gia thị trường cà phê kỳ hạn – Future Market.
Những DN đổ bể gần đây đều có liên quan tới các hợp đồng tương lai. Bây giờ thì các DN VN gom được hàng mới ký hợp đồng, nhưng hậu quả của việc ký hợp đồng giao sau, chấp nhận trừ lùi từ những năm trước không thể khắc phục nổi”. “Cái chết” của các đại gia này cho thấy DN cà phê Việt đang nhanh chóng nhường sân cho các DN nước ngoài thống lĩnh.
Ông Nguyễn Văn Nghiêm – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết, số DN xuất khẩu cà phê thua lỗ có thể nhiều hơn, nhưng họ còn giấu giếm với hy vọng gỡ lại nên cơ quan chức năng chưa nắm được.