Du khách đến du lịch Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) có thể thưởng thức gỏi cà đắng cá cơm và bánh canh cá dầm ngon nức tiếng nơi đây.
Bánh canh cá dầm
Nói đến bánh canh cá dầm, người ta nhớ ngay đến món ăn của vùng biển. Nhưng du khách đến Đắk Lắk lại khó lòng bỏ qua món bánh canh cá từ lâu đã trở thành một món ăn đặc trưng ở nơi đây.
Bát bánh canh cá dầm nhìn đơn giản nhưng có hương vị rất đặc biệt.
Khách du lịch miền Bắc nếu lần đầu thưởng thức món ăn này, ban đầu sẽ liên tưởng ngay đến các món bún nước quen thuộc. Tuy nhiên sự khác biệt ở đây là bánh canh mềm, sợi to gấp 3-4 lần sợi bún của đất Bắc nhưng lại rất dễ ăn. Hương vị của tô bánh canh rất đặc trưng bởi vị mặn mà từ những con cá tươi ngon. Bát bánh canh “chất” bởi khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương nào. Dù bạn có dầm nát miếng cá thu hòa lẫn cùng nước dùng thì bát bánh canh cũng không bao giờ bị tanh nồng, trái lại còn thấy ngon hơn, thú vị hơn nhiều. Ngoài cá thu dầm, một tô bánh canh đầy đủ còn có thêm chả, bao tử cá, khúc giò heo lớn, khiến món ăn càng “chất lượng”, khiến bạn thấy “đã” hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, vị ngon của bánh canh còn nằm ở thứ nước dùng được ninh từ đầu, xương cá có vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay – hương vị rất đặc trưng yêu thích của miền Nam mà nhiều người “mê mệt”.
Bát bánh canh được dọn ra không chút mỡ màng, điểm xuyến vài cọng hành ngò xanh mướt, rắc vài hạt tiêu, trên mặt là chả cá hấp lẫn chiên cắt lát trông rất hấp dẫn. Thưởng thức bánh canh, người ta không bao giờ dùng đũa, chỉ cần một chiếc thìa to là đã có thể xì xụp hết bát bánh canh một cách ngon lành, tận hưởng trọn vẹn hương vị mộc mạc mà hồn hậu của nền ẩm thực nơi đây.
Địa chỉ gợi ý: quán ăn trên đường Bà Triệu, Hai Bà Trưng hoặc Lê Thánh Tông.
Gỏi cà đắng cá cơm
Với người dân Buôn Ma Thuột không ai lạ gì món ăn này. Khách du lịch đến đây ai cũng biết tiếng và tìm ăn thử. Và cứ người này truyền tai người kia, mỗi người lại chế ra một món gỏi phù hợp với khẩu vị của mình.
Trái cà có vị đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai và màu xanh sọc đốm trắng. Cà được người đồng bào gọi là Prền Bơtang, Sơre Prền, Đưng Prền, người miền xuôi gọi là cà đắng. Đây là một loại cây dại mọc nhiều trong rừng, thường được đồng bào Ê đê, K’Ho hay Chu Ru mang về trồng trong vườn nhà, có trái quanh năm. Người dân Buôn Mê Thuột thường dùng trái cà đắng để chế biến thành nhiều món ăn, trong đó phải kể đến món gỏi với cá cơm.
Cách chế biến món gỏi này cực kỳ đơn giản: cà thái lát mỏng, ngâm trong nước pha chút chanh muối cho cà trắng và bớt chất chát (nếu thích ăn cà giòn giòn có thể cho vào thau nước với ít đá viên).
Cá cơm khô thì loại nhí, ngâm trong nước ấm cho sạch cát hay đất, cá cũng mềm hơn. Sau đó đun nóng dầu, chiên giòn rồi tắt bếp.
Món ăn ngon hay không được quyết định bởi thứ nước rưới vào, được pha chế bằng nước cốt chanh trộn với tỏi, đường và ớt rồi mới cho nước mắm vào sau cùng. Nguyên liệu cứ để riêng, lúc nào cần ăn thì cho tất cả vào âu rồi trộn đều, thêm một chút ngò gai nữa là đủ vị.
Địa chỉ gợi ý: hầu hết thực đơn của các quán ăn trong trung tâm thành phố đều có món này.