VN là nước đứng thứ hai trên thế giới về XK cà phê nhưng nguồn lợi thu được từ cà phê của VN lại “chảy” vào túi các DN nước ngoài. Chính vì vậy, để quản lý và kinh doanh có hiệu quả, ngành cà phê cần có một “cơ chế” riêng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Thành Biên cho biết, dự thảo văn bản về điều kiện kinh doanh cà phê đang được Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT xây dựng và lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành có liên quan. Ông cho rằng, việc quy định về điều kiện kinh doanh, XK cà phê là cần thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.
Nếu quy định về điều kiện kinh doanh được thông qua
sẽ khiến nhiều DNNVV XK cà phê phải đóng cửa.
Sẽ chỉ còn 40 DN ?
Theo đó, điều kiện đối với thương nhân để có quyền tham gia kinh doanh XK cà phê bao gồm DN được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có sở hữu ít nhất 1 cơ sở chế biến cà phê kèm kho chứa phù hợp với quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT cơ sở chế biến cà phê, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã tham gia chế biến và XK cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê XK tối thiểu 5.000 tấn/năm, có kho chứa và khả năng chế biến tối thiểu là 5.000 tấn/năm; minh bạch về tài chính… Chuyên gia cao cấp lĩnh vực cà phê Đoàn Triệu Nhạn cho biết, VN hiện có khoảng 160 DN đang tham gia vào XK cà phê. Số lượng DN tham gia XK quá lớn đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán gây ảnh hưởng không tốt đối với uy tín và chất lượng của sản phẩm cà phê VN. “Thương hiệu, uy tín cà phê VN lâu nay bị ảnh hưởng đều xuất phát từ nguyên nhân các DN, cơ sở XK nhỏ, vì những DN này không đầu tư dây chuyền chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn, thiếu hệ thống kho tàng. Vì vậy, việc đưa ra điều kiện cho DN XK cà phê VN là cần thiết” – ông Nhạn nói.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nếu điều kiện kinh doanh cà phê được ban hành, ước tính chỉ còn khoảng 40 – 50 DN tại VN đủ điều kiện XK mặt hàng này. Mặc dù số lượng DN cà phê XK nhiều như vậy, nhưng trên thực tế chỉ bán cho 20 DN nước ngoài có đại diện tại VN. 20 DN này lại bán cho 8 nhà rang xay toàn thế giới chiếm khoảng 80% lượng cà phê toàn cầu. Rõ ràng, nhiều người trồng, người bán nhưng rất ít người mua. Thực tế này rất bất lợi, đòi hỏi phải hạn chế số lượng DN XK và tăng cường chế biến.
Không những vậy, theo dự thảo này, đối tượng được áp dụng không chỉ các DN VN mà các DN FDI cũng phải đủ điều kiện mới được tham gia XK. Còn nhớ, trong cuộc họp của 20 DN XK cà phê hàng đầu VN tổ chức mới đây, các DN cho biết, gần 1/2 lượng cà phê niên vụ 2010 – 2011 đã vào tay các DN FDI. Nhiều DN trong nước khốn đốn vì không có hàng XK, phải hoạt động cầm chừng. Đặc biệt mới đây có tin tỉnh Đăk Lăk đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận cho một DN nước ngoài trực tiếp thu mua cà phê của nông dân. Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao VN (VICOFA) cho rằng nhiều người cho đó là cơ hội nhưng lại không lường trước những ẩn họa phía sau toan tính từ các nhà kinh doanh nước ngoài.
“Nguy cơ sụp đổ toàn bộ thị trường cà phê VN là điều hoàn toàn có thể nếu để DN ngoại nắm tận “gốc” cây cà phê” – ông Nam nói.
Đòn bẩy thị trường
Từ những bất cập trên đây của ngành cà phê, thiết nghĩ để ngành cà phê phát huy được sức mạnh của mình, trước hết ngay chính bản thân các DN cần có sự chuyên nghiệp hoá trong sản xuất kinh doanh, các DN cũng cần liên kết lại để nâng cao hình ảnh, thương hiệu cà phê trên trường quốc tế. Còn nhớ, năm 2001, thị trường cà phê VN tưởng chừng như sụp đổ vì mức lỗ lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại được Chính phủ cho phép mua tạm trữ và đã vực dậy được. Điều đó cho thấy nếu sức mạnh của một ngành hàng được quy về đầu mối sẽ có thể điều tiết được cả thị trường. Thực tế đã chứng minh một số ngành hàng của VN như cao su, lương thực, hồ tiêu… đã làm được điều này.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, với thế mạnh về vốn lẫn công nghệ, việc đáp ứng những quy định nói trên không phải là điều quá khó đối với các tập đoàn mua nông sản nước ngoài. Chính vì vậy, theo ý kiến của một DN: “Nhà nước có thể kiểm soát việc tranh mua, tranh bán cà phê nguyên liệu bằng cách khác, chứ không nên áp dụng những biện pháp hành chính như vậy”, một DN xuất khẩu cà phê nhận xét. Nói như vậy để thấy rằng, mọi điều kiện của một ngành kinh doanh nào đó cũng cần đòn bẩy thị trường. Bởi mọi điều kiện chỉ nên dừng ở chỗ là một hành lang pháp lý để DN hoạt động chứ không phải để… xiết DN.
Đã đến lúc ngành cà phê cần “lột xác” làm mới mình. Việc có một “quy chế” hay điều kiện rõ ràng để một DN có thể tham gia vào “sân chơi” này là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng cần tìm một chuẩn mực nhất định đáp ứng cả yêu cầu của thị trường và DN.