Xuất khẩu nông sản Những tín hiệu lạc quan

Mặc dù từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đã tăng trưởng mạnh về cả lượng và giá trị. Tuy nhiên, đây chỉ là “thiên thời”. Muốn ổn định và bền vững, doanh nghiệp cần tăng lực cho các mặt hàng nông sản.

tai-canh-ca-phe

CôngThương – Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngay trong tháng đầu năm 2013 ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng tới 39,7% so với cùng kỳ năm 2012. Sau Tết, xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiếp tục tăng.

Theo VPA, các doanh nghiệp và người dân cần thận trọng, không nên bán ồ ạt hồ tiêu. Doanh nghiệp cần tính toán kỹ trước khi ký hợp đồng lớn, nhất là các hợp đồng kỳ hạn xa, vì giá có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas)- cho biết, ngay sau Tết, các doanh nghiệp (DN) thành viên Vinacas đã ký được gần 300 container điều xuất khẩu. Không chỉ tăng về lượng, giá xuất khẩu điều cũng đang có xu hướng tăng so với quý IV/2012. Do lượng hàng tồn kho tại các nước xuất khẩu nhân hạt điều đều giảm khiến giá nhân điều sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới khi nhiều nước châu Âu, Mỹ, Trung Đông bước vào các kỳ lễ hội truyền thống.

Hiệp hội Cà phê- Ca cao cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2013, nhiều DN xuất khẩu cà phê đã ký thêm nhiều đơn hàng mới. Cụ thể: Ngày 19/2, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi đã xuất được 285 tấn cà phê sang thị trường Nhật Bản với giá trị 771.000 USD. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), hiện tổng lượng hàng tồn kho của các nước xuất khẩu cà phê giảm tới 17,1% so với cùng kỳ vụ trước. Đây là mức thấp nhất trong số những vụ được mùa, vì thế, nhu cầu cà phê Robusta có xu hướng tăng cao. Đây là tín hiệu lạc quan cho ngành cà phê nước ta.

Không chỉ có điều và cà phê, xuất khẩu hồ tiêu cũng đang phục hồi và tăng trưởng đột biến tháng 1/2013 tới 330% so với cùng kỳ năm trước, với tổng khối lượng 12.000 tấn, thu về 79,5 triệu USD.

Theo ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA)- trong số các nước trồng hồ tiêu, hiện chỉ có Việt Nam đang vào vụ thu hoạch, các nước khác phải từ tháng 7/2013 mới vào vụ. Vì vậy, Việt Nam là nguồn cung duy nhất tại thời điểm này, nên các nhà nhập khẩu đầu cơ, đã nâng giá tiêu Việt Nam lên. Hồ tiêu đang bước vào đầu vụ, nhưng giá đã tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, đạt 122.000- 123.000 đồng/kg…

Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy có nhiều mặt hàng nông sản xếp nhất, nhì thế giới về xuất khẩu, song đến nay, nông sản Việt Nam vẫn chưa làm chủ được thị trường thế giới. Hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh về số lượng, nhưng giá trị tăng rất thấp, không tương xứng. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang chạy đua với thế giới về lượng, còn chất vẫn chưa được cải thiện, mới chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, không có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp, kinh doanh kém hiệu quả.

“Nếu không sớm cải thiện những “lỗ hổng” này thì đến lúc nào đó, xuất khẩu nông sản của chúng ta sẽ rất khó khăn vì không thể cứ tăng mãi về lượng được”- bà Dương Phương Thảo- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- nhận định

Theo nhiều chuyên gia, muốn tăng giá trị và sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản Việt Nam, có một cách là đem hàng sang một nước khác rồi xuất đi. Để làm được điều này phải xây kho nông sản tại nước đó. Cụ thể, DN chủ động xây kho ở quốc gia có vị trí địa lý trung tâm, thuận tiện xuất khẩu đi các nước lân cận hoặc có thể xuất ngay tại nước đó. Nếu xây được kho ở nước ngoài, đồng thời doanh nghiệp chủ động sang nước nhập khẩu tìm hiểu thị trường thì giá trị xuất khẩu thu được sẽ nhiều hơn, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ mạnh hơn.

Nguồn Baocongthuong.com.vn