Theo dự báo, năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn; song cơ hội “xuất ngoại” của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn rộng mở. Bằng chứng là trong quý I, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp đạt 6,56 tỷ đô la, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, bản thân người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng này vẫn chưa hết lo…
Xuất khẩu gạo: Lượng tăng, giá trị giảm
Theo Bộ NN&PTNT, hết tháng 3, các tỉnh Nam bộ đã thu hoạch gần 1,4 triệu ha lúa đông xuân, chủ yếu tập trung tại vùng ĐBSCL, chiếm hơn 82% diện tích xuống giống, nhanh hơn cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo bước đầu, lúa đông xuân trên diện tích đã thu hoạch đạt năng suất bình quân 68,5 tạ/ha, cao hơn so với vụ trước khoảng 0,5 tạ/ha. Riêng tại các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, năng suất bình quân đạt trên 70 tạ/ha.
Việc thu hoạch lúa đông xuân nhanh chóng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo. Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 570.000 tấn, tương đương với 252 triệu USD; đưa khối lượng xuất khẩu trong quý I đạt 1,38 triệu tấn, tương đương với 616 triệu USD, tăng gần 35% về lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam lớn nhất với 40,2% thị phần, tiếp đến là Xinhgapo (8,83%), Philíppin (6,23%) và vùng lãnh thổ Hồng Công (5,47%) thị phần.
Có chuyện lượng xuất khẩu gạo tăng nhưng giá trị lại giảm là do giá xuất khẩu gạo của ta chỉ đạt 450 USD/tấn, giảm đến 14% so với cùng kỳ năm 2012. Vậy là các doanh nghiệp lấy “niềm vui” tăng khối lượng xuất khẩu để “bù” vào “nỗi buồn” giá giảm.
Xuất khẩu cà phê: Giảm cả về lượng lẫn giá trị
Tháng 3, xuất khẩu cà phê của cả nước ước đạt 128.000 tấn, tương đương với 236 triệu USD; đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm lên 447.000 tấn, đạt giá trị 909 triệu USD, giảm 20% về lượng và 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi giá gạo xuất khẩu giảm thì cà phê lại được giá với giá xuất khẩu bình quân đạt 2.108 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng năm 2013 là Đức (12% thị phần) và Hoa Kỳ (chiếm 11%).
Tại một số địa bàn trọng điểm về cà phê đang diễn ra tình trạng thương lái tranh mua đẩy giá cà phê nguyên liệu lên mức 29.000 – 30.000 đồng/kg; trong khi nông dân cố giữ hàng chờ giá lên cao. Hiện tượng này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mặt hàng này.
Tăng xuất khẩu sắn: Lợi trước mắt, hại lâu dài
Từ chỗ không hề có trong “bảng xếp hạng” các mặt hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giờ đây, sắn đang lại là mặt hàng tăng trưởng nóng khi nhu cầu nhập khẩu sắn từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Philíppin, Đài Loan (Trung Quốc) tăng mạnh. Trong bảng thống kê xuất khẩu quý I, sắn “vượt” chè, hạt điều, hạt tiêu và chỉ “thua” gạo, gỗ và thủy sản về giá trị xuất khẩu. Theo đó, lượng xuất khẩu sắn trong quý I đạt 1,54 triệu tấn, tương đương 481 triệu USD, tăng 63% về lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Để đáp ứng nhu cầu về sắn của thế giới tăng mạnh, những năm gần đây, diện tích sắn được trồng ở các địa phương tăng rất nhanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, việc mở rộng diện tích trồng sắn chỉ mang lại cái lợi trước mắt; còn về lâu dài là người nông dân gánh lấy cái hại. Theo bà Đỗ Thị Thu Hiền, giảng viên Khoa Nông học, Trường ĐH Nông nghiệp I, nếu trồng cây trên diện tích đất sau 3 – 4 năm trồng sắn liên tiếp thì các cây trồng khác và bản thân ngay cây sắn cũng sẽ cằn cỗi. Lý do là bởi bộ rễ của cây sắn có khả năng hút lượng chất dinh dưỡng cao hơn hẳn các cây trồng khác. Vì lẽ đó, đất trồng sắn dễ bạc màu và khô cằn.
Thủy sản: Lượng khai thác tăng, xuất khẩu giảm
Theo báo cáo của các địa phương ven biển, do thời tiết thuận lợi nên sản lượng thủy sản khai thác quý I ước đạt 640.000 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm chỉ đạt 1,21 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2012. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam (chiếm 19% thị phần), tiếp theo là Nhật Bản (15%) và Hàn Quốc (7%).
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này tăng trong quý I thực chất là nhờ “công” của gỗ và sản phẩm gỗ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,18 tỷ USD, tăng 26,5%; còn mức đóng góp của các mặt hàng nông sản chủ lực và thủy sản chưa được như kỳ vọng cũng như chưa xứng với tiềm năng.