Mặc dù 6 năm liên tiếp, ngành hồ tiêu Việt Nam chi phối thị trường thế giới song, lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là thương hiệu sản phẩm đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực.
Lượng tăng, giá giảm
Ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA)- cho biết: Quý I/2013, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu được 38.374 tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, giá tiêu trong nước từ cuối tháng 3 đến nay giảm 5.000- 10.000 đồng/kg. Cụ thể: Giá tiêu đen xuất khẩu bình quân khoảng 6.266 USD/tấn (giảm 92 USD/tấn so với năm 2012), tiêu trắng: 8.869 USD/tấn (giảm 436 USD/tấn). Giá tiêu xuất khẩu của DN trong nước ngày càng thấp. Năm 2012, giá tiêu đen Việt Nam thấp hơn giá thế giới khoảng 295 USD/tấn thì 3 tháng đầu năm 2013, khoảng cách này đã là 389 USD/tấn. Tiêu trắng Việt Nam năm 2012 bán trung bình 9.299 USD/tấn, chỉ thấp hơn giá thế giới 89 USD/tấn thì thời gian qua chỉ bán được với giá 8.742-8.874 USD/tấn, thấp hơn từ 450 -500 USD/tấn.
Theo ông Đỗ Hà Nam, sở dĩ giá tiêu giảm là do yếu tố tâm lý, nhiều nông dân thu hoạch đến đâu bán tới đó. Bên cạnh đó, các DN cũng tăng mạnh lượng hồ tiêu xuất khẩu… nên thị trường giá diễn biến theo chiều hướng giảm. “Các DN cần xem xét phân tích về cung cầu thị trường để chọn thời điểm bán hàng có giá tốt nhất, không bán hàng tập trung làm giá giảm xuống” – ông Đỗ Hà Nam khuyến cáo.
Ngoài ra, nguyên nhân giá tiêu xuất khẩu sụt giảm còn do chất lượng tiêu chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều hợp đồng xuất khẩu không đạt được những yêu cầu của nhà nhập khẩu về độ ẩm, tạp chất và các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chưa định vị được thương hiệu
VPA cho biết, mặc dù hồ tiêu Việt Nam chiếm lĩnh 50% thị phần hồ tiêu thế giới, có mặt trên 150 quốc gia nhưng vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến. Thực tế, có tới 95% sản lượng hồ tiêu được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm mới qua sơ chế và thông qua 3 đối tác chính là Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ nên khi bán ra thị trường thế giới, hồ tiêu Việt Nam đều mang tên nhà sản xuất nước ngoài.
Ông Nam cho rằng, có 3 hướng mà ngành hồ tiêu cần chú ý để định vị được thương hiệu và nâng cao giá trị khi xuất khẩu: Thứ nhất, chênh lệch giá trị giữa tiêu đen và tiêu trắng đang lên tới 70%, vì vậy, nên tập trung chuyển tỷ lệ sản xuất tiêu đen sang tiêu trắng để nâng cao lợi nhuận. Thứ hai, các DN cần gia tăng sản xuất tiêu ASTA (theo tiêu chuẩn của Mỹ). Hiện trong nước có 10 nhà máy sản xuất tiêu ASTA (trong đó có 5 DN nước ngoài) nên tỷ lệ tiêu ASTA Việt Nam xuất khẩu sang Âu, Mỹ chưa nhiều (15%). Thứ ba, các DN cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tiêu bột. DN trong nước hiện nay không có thị trường tiêu bột, dù biết rằng loại tiêu này có thể cung cấp tới tất cả các siêu thị trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng được sơ đồ về những vùng quy hoạch và mỗi địa phương phải có chỉ dẫn của từng gia đình, từng hộ trồng tiêu, từ đó làm cơ sở quy hoạch tổng thể để sản xuất hàng hóa có chứng chỉ rõ ràng. Bộ nên sớm có quy trình canh tác hồ tiêu, đưa cây tiêu vao chương trình VietGap.
Trong 6 vùng trọng điểm hồ tiêu là Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai thì mới chỉ có duy nhất thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nên trong nhiều năm qua, các DN sản xuất – kinh doanh và người trồng hồ tiêu luôn chịu thiệt hại so với các quốc gia khác.