Nhân đọc loạt bài Ai chia sẻ rủi ro với nông dân, Nghịch lý mía đường trên TBKTSGngày 8-3-2012, xin đóng góp một vài suy nghĩ về yếu kém trầm trọng của nông sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, đó là chưa có thương hiệu. Vì không có thương hiệu nên sản xuất nông sản của cả nước và ĐBSCL kém hiệu quả do giá trị thấp, không được quảng bá trên thị trường và bị thua thiệt trầm trọng. Người ta tính toán, uống một ly cà phê ở New York thì giá trị vào túi người nông dân Việt Nam chỉ có 1%! Lúa gạo, trái cây, tôm cá đều cũng trong tình trạng như vậy.
Nguyên nhân có thể nói là do người dân, các cơ quan chức năng quản lý nông nghiệp, và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản đều chưa có ý thức xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu cho nông sản là quá trình gắn liền với việc kiện toàn hệ thống dịch vụ xã hội. Hiện nay, hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông nghiệp, chủ yếu biểu hiện ở một số mặt như dịch vụ bảo hiểm, tuyên truyền tin tức, khoa học kỹ thuật và thị trường… đều chưa đáp ứng được yêu cầu của xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, đội ngũ khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp lại thiếu do nạn chảy máu chất xám từ nông thôn ra thành thị.
Các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ trước tiên cần thúc đẩy việc xây dựng chiến lược thương hiệu cho nông sản, coi đấy là khâu quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn. Rất cần hoàn thiện một số chính sách và biện pháp xây dựng cơ chế sử dụng cán bộ khoa học cho nông nghiệp, các chính sách đầu tư vốn cho nông nghiệp để xây dựng thương hiệu. Xây dựng và kiện toàn hệ thống bảo đảm dịch vụ xã hội, nhanh chóng đưa ra cơ chế khuyến khích bảo hiểm nông nghiệp, và cải thiện điều kiện kinh doanh cho thị trường nông sản có thương hiệu. Ban hành các quy định đối với kinh doanh nông sản theo hướng tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thương hiệu nông sản. Nhà nước cần thể hiện đầy đủ vai trò “nhạc trưởng” trong việc liên kết bốn nhà.