Xây dựng thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột bền vững

Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ tư được tổ chức từ ngày 9-3 đến 12-3-2013 tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc quanh chủ đề “Nhà nông với sản xuất cà-phê bền vững và hội nhập”. Đây là dịp giới thiệu, giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành cà-phê và cũng là cơ hội cho nông dân tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật về canh tác.

a83248cdf1073b8c116dcc5188ccc359_L

“Một cây làm chẳng lên non”

Từ năm 2005 đến nay, diện tích cà-phê trên địa bàn tỉnh Đác Lắc tăng thêm khoảng 12.600 ha, bình quân mỗi năm tăng hơn 2.100 ha. Diện tích liên tục tăng nhưng sản lượng lại thất thường. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà-phê đó là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đác Lắc hiện có hơn 180 nghìn ha cà-phê nhưng hơn 85% diện tích là của người dân tự trồng và quản lý. Có thể nói, sự tăng nhanh diện tích không theo quy hoạch, sản xuất cà-phê theo kinh nghiệm, tự phát, khai phá đất tùy tiện của những năm trước đây đã dẫn đến một số diện tích cà-phê được trồng trong điều kiện đất đai không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới, ảnh hưởng đến môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự bền vững của cà-phê… Cũng chính vì phát triển nhỏ lẻ nên việc chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật đến với người trực tiếp sản xuất rất khó khăn bởi không thể có đủ kinh phí lẫn con người để trực tiếp thực hiện công tác này đến từng hộ dân. Khi không có những kiến thức sản xuất cần thiết, người nông dân chỉ dựa vào kinh nghiệm, sử dụng phân bón, nước, thuốc bảo vệ thực vật bất hợp lý gây mất cân bằng sinh thái, gia tăng chi phí sản xuất nhưng kém hiệu quả.

Một nghịch lý đáng quan tâm là phần lớn diện tích cà-phê được người nông dân trồng bằng hạt nhưng không được chọn lựa kỹ cho nên vườn cây phát triển kém, tỷ lệ cây không có quả và nhiễm bệnh cao, kích cỡ hạt nhỏ, không đồng đều. Không những thế, người dân vẫn tự chế biến hàng trăm nghìn tấn cà-phê theo phương pháp phơi quả khô, xát dập trên sân xi-măng, trên bạt hoặc sân đất; trong đó, phương pháp chế biến xát dập quả tươi và phơi trên sân đất đã làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm cà-phê.

Liên kết bốn nhà, tạo đà phát triển

Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng: “Không thể phát triển một nền sản xuất chuyên nghiệp, quy mô lớn, có khối lượng hàng hóa tập trung, phù hợp với các tiêu chuẩn trên thế giới bằng phương pháp sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người một kiểu và mạnh ai nấy làm. Vì thế, cần phải tổ chức lại ngành hàng cà-phê, đi từ các nhóm nông dân đến hợp tác xã, thành lập các hiệp hội gắn bó nông dân với người sản xuất, chế biến và nhà quản lý…”. Hướng dẫn nông dân về mặt kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác mà còn có sự gắn bó, chia sẻ giữa cộng đồng và doanh nghiệp là chủ trương mà cà-phê Đác Lắc hướng tới. Bộc bạch về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Diệu (thôn Tân Thành, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) nói: “Với ba héc-ta, hằng năm thu về hơn 10 tấn cà-phê nhân, điều tôi lo lắng nhất vẫn là sự bất ổn của thị trường tiêu thụ. Năm cà-phê được mùa thì mất giá và ngược lại, như thế sẽ tạo cho người nông dân một tâm lý không yên tâm để sản xuất. Nhà nước phải là chiếc cầu nối gần nhất, mang tính lâu dài giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ”.

Ông A Ma Vôn (Buôn Krông B, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) cho rằng: “Hiện nay, một số nông dân trồng cà-phê ở các xã Ea Tu, Hòa Đông, Cư Êbur đã được tham gia vào liên minh sản xuất cà-phê của Dự án cạnh tranh nông nghiệp. Tôi thấy họ đã dần thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu trước kia. Các hộ đã tiến hành cải tạo vườn cây, bón phân hợp lý, cho nên hiệu quả rõ ràng nhất mà mô hình liên kết sản xuất mang lại. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cà-phê xuất khẩu, theo tôi, trước hết phải mở rộng các mô hình liên kết hộ nông dân và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm giúp người trồng cà-phê được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm.

Công ty Liên doanh Chế biến và Xuất khẩu Cà-phê Man – Buôn Ma Thuột (Dak Man) là một trong những doanh nghiệp (DN) đi đầu trong phát triển sản xuất cà-phê bền vững tại tỉnh Đác Lắc. Năm 2007, Dak Man được tổ chức 4C sau đó là Liên minh rừng mưa (RFA), Thương mại công bằng và UTZ Certified cấp chứng nhận. Hiện nay, công ty này đã thành lập một liên minh sản xuất cà-phê bền vững ở xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột), hai tổ liên kết, 10 tổ hợp tác (năm nhóm nông hộ với 29 câu lạc bộ), thu hút khoảng 2.500 nông hộ tham gia, với diện tích hơn 3.700 ha, năng suất khoảng 10.000 tấn/năm, được triển khai tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột, huyện Chư M’gar và Krông Pách. Ông Phạm Ngọc Bằng, Tổng Giám đốc Dak Man khẳng định: “Tham gia sản xuất cà-phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra là hướng đi có lợi cho cả DN và nông dân, bởi kiểm tra không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà uy tín thương mại của DN còn được nâng cao, nhờ đó mà việc kêu gọi đầu tư, tài trợ thuận lợi hơn. Trong thời gian qua, Dak Man đã được nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp Đác Lắc… tài trợ vốn giúp nông dân sản xuất cà-phê theo hướng bền vững”.

Anh Y Suyn Êban (buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột tham gia Liên minh sản xuất cà-phê bền vững của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 cũng bộc bạch: “Lâu nay, đồng bào làm cà-phê theo kinh nghiệm là chính. Đặc biệt, trong chăm sóc, cứ tận dụng có gì bón nấy, có tiền nhiều thì bón phân, tưới nước nhiều, không có thì ít hơn. Cách làm này cho năng suất, chất lượng không cao, cây lại hay bị bệnh. Từ khi được cán bộ hướng dẫn, giải thích, bà con mới biết sân phơi có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nên đã đầu tư xây dựng sân phơi đúng tiêu chuẩn”. Còn chị H’Wơt Ênuôl, buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) cho biết: “Gần hai năm nay, gia đình tôi và các hộ khác trong buôn tham gia Liên minh sản xuất cà-phê bền vững của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 và kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Khi tham gia mô hình phát triển cà-phê bền vững, nông dân chúng tôi được làm quen với phương thức sản xuất cà-phê chuyên nghiệp hơn, sạch hơn, hiệu quả hơn, được hướng dẫn những kỹ thuật như tỉa cành, bẻ chồi, đào bồn… sao cho cây phát triển tốt, cho năng suất cao”.

Từ những thực tế trên, Đác Lắc phải có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nông dân, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ sản xuất cải thiện chất lượng các vườn cà-phê theo hướng thâm canh, sản xuất cà-phê bền vững, cà-phê có chứng nhận 4C, UTZ, RFA…; tăng cường đầu tư cho công tác chế biến cà-phê, hạn chế tối đa việc thu hái quả xanh, áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất cà-phê, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến (GMP) để tạo ra sản phẩm cà-phê có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

1325842589

Nguồn Nhân dân