World Cup có ảnh hưởng thế nào đến giá cà phê?

Lại sắp vào mùa World Cup, việc giá cà phê tăng hay giảm vẫn là chuyện muôn đời mà ai cũng thắc mắc và vẫn đi tìm hiểu liệu hai vấn đề này có gì liên quan với nhau hay không?

Để tìm hiểu vấn đề này – tôi xin trình bày một vài suy nghĩ và xem như một lời tâm sự với bà con, có thể lúc này ý kiến của tôi không làm hài lòng một số người đọc, nhưng cứ mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình về một suy nghĩ kỳ vọng là giá cà phê sẽ tăng bởi nó có sự liên quan đến World Cup.

Như một bài gần đây của anh Kinh Vu cũng đã viết về sự bảo tồn lợi nhuận bằng cách tìm hiểu, sử dụng vài công cụ bảo hiểm giá, đáng tiếc là Việt Nam chưa hình thành một nơi mà người nông dân chúng ta có thể tham gia và được sử dụng những công cụ đó cho mình. Tôi ước mong sao Nhà nước mình có thể xây dựng được hành lang pháp lý, mà ở đó các công cụ tài chính phải được kiểm soát bởi các cơ quan quản lý nhà nước để có thể hình thành một sự hoạt động đúng pháp luật và thật sự bình đẳng cho đối tượng liên quan tham gia.

Bây giờ chúng ta quay trở lại vấn đề chính: World Cup 2014 – Brazil năm nay, giá có tăng như kiểu 2010 hay không ? Việc đầu tiên xin được nói ngay là không ai có thể biết trước được điều đó bởi như chúng ta đã biết có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá cả, tuy nhiên có thể nói 3 yếu tố chính tác động trực tiếp đến giá cà phê như sau: 1/ Mùa vụ; 2/ Yếu tố thị trường –kỹ thuật; 3/ Yếu tố chính trị, xã hội. Do đó chúng ta thử tìm hiểu xem các yếu tố này ảnh hưởng như thế nào?

  1. Mùa vụ:

Mùa vụ cà phê của Việt Nam thường tính từ tháng 10 của năm này và kết thúc vào tháng 9 của năm sau (khác với các thông kê của nhà nước là tính theo năm), tuy nhiên trong một mùa vụ thì các tháng chính yếu sẽ chỉ tính từ tháng 11 năm này và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Trong giai đoạn tháng từ 11 đến tháng 4 này lại chia làm 2 giai đoạn, tháng 11 cho đến Noel và từ Noel cho đến hết tháng 4.

Tại sao lại đặt yếu tố mùa vụ để nói? đầu tiên chúng ta phải xác nhận với nhau rằng: từ tháng 11 đến tháng 4, về giao dịch Robusta của cả thế giới (xin hãy nhớ là cả thế giới nhé) thì nguồn cung chính là Việt Nam, do đó cách chúng ta bán buôn thế nào thì thị trường thế giới ảnh hưởng theo thế đó, chúng ta hãy nghĩ thế này một cái chợ mà mình là người có hàng bán nhiều nhất thì mình có khả năng chi phối giá nhiều nhất

Từ trước đến nay chúng ta chỉ nghĩ người mua mới có quyền “to tiếng” mà chúng ta quên mất một điều là người bán cũng có quyền “làm giá” như đã nói ở trên, vấn đề là chúng ta có “ai đó” làm nhạc trưởng hay là không, hay kèn ai mạnh hơi cứ thổi, trống ai to cứ đánh bùm bùm. Để “làm giá” được chúng ta cần học cách các công ty nước ngoài họ mua cà phê của chúng ta như thế nào? Tại sao họ lại mua bán như thế?

Tôi phải dừng lại một chút để nói về WTO (to tát quá, nhưng rất cần thiết) Theo quy định của tổ chức này thì trước 2012, nếu các công ty nước ngoài (hoặc các văn phòng đại diện) muốn mua hàng thì chỉ có một cách là mua của các công ty trong nước, nhưng sau 2012 thì tình hình khác đi do luật Doanh Nghiệp đã được sửa đổi vào 2008 và theo đó, các công ty nước ngoài có quyền mua bán như các công ty trong nước tuy còn nhiều hạn chế và các hạn chế này theo tiến trình sẽ được dỡ bỏ thêm một lần nữa vào 2015 và dỡ bỏ hoàn toàn vào 2018. Do đó các công ty trong nước mà “ làm ăn theo kiểu cũ” nếu không tự đổi thay để thích hợp với tiến trình, có lẽ sẽ biến mất dần theo thời gian.

Trừ một số rất ít công ty của Việt nam có thể chủ động đặt giá bán của mình đối với khách mua nước ngoài, phần lớn các công ty trong nước của chúng ta là bị động nhận giá chào mua từ khách ngoại và rồi căn cứ trên giá đó để phát giá mua cho người sản xuất, tính chủ động “làm giá” của các công ty này dường như không có.

Trước khi mùa vụ cà phê bắt đầu thì các công ty và Văn phòng đại diện đã có đầy đủ các thông tin về mùa vụ của Việt Nam như: diện tích, sản lượng… những thông tin này, tuy nhiên đó chưa phải là thông tin để quyết định cho tất cả, nhưng nó cho thấy tính chủ động của thông tin để tham gia vào các quyết định của họ như thế nào, điều này không phải các DN nước ta không biết nhưng để “cùng nhau” chủ động áp dụng thì chúng ta chưa làm được.

– Từ tháng 11 đến Noel: thì thời tiết có thuận lợi cho việc thu hoạch hay không ? nếu thuận lợi thì “mức độ” bán ra của người nông dân như thế nào ? rồi bà con dự định đón Noel ra sao… có nghĩa là mức độ bán ra của bà con đã được họ dự đoán từ trước . Vấn đề còn lại là họ sẽ mua với giá nào thì bà con mình sẽ bán.

– Câu hỏi mua với giá nào thì Nông Dân sẽ bán là một câu hỏi quá khó với một doanh nghiệp nhà nước nhưng với doanh nghiệp hay các đại diện thì chỉ là một bài toán thống kê nhỏ mà thôi. Họ sẽ dựa trên chính giá thành sản xuất của bà con mà suy ra hay nói nôm na là giá huề vốn của 1kg cà phê và khi mua bán thì họ sẽ tùy cơ mà ứng biến .

Vậy cơ hội của chúng ta nằm ở đâu ?

Như trên đã nói từ tháng 11 đến tháng 4 thì “giá của chợ cà phê Việt Nam” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cà phê của thế giới (sau tháng 4 là mùa của Indonesia) do đó “cách mua bán và mức độ bán” của Nông Dân chính là thước đo về giá! Vấn đề của chúng ta là: thông tin chúng ta cần thì ai là người cho chúng ta biết, chí ít là các thông tin cơ bản để chúng ta còn biết phải làm sao và như thế nào! Nhà nước sẽ không can thiệp vào chuyện này, bởi Nhà nước chỉ ra các chính sách còn thực tế thì chúng ta phải tự thân vận động.

Chỉ mới bấy nhiêu thôi thì chúng ta có thể đã thấy World Cup chả ăn nhập gì với giá cả.

2- Yếu tố thị trường –kỹ thuật .

Biểu đồ phân tích kỹ thuật được lập ra dựa trên các số liệu của thị trường giao dịch, mỗi một chỉ số được dựa trên một thuật toán để tính ra các đường biểu diễn, các chỉ số đồ thị sẽ phản ánh tính chất của thị trường. Đó là các nét chính yếu khi ta nói về phân tích kỹ thuật, thường thì người phân tích kỹ thuật sẽ có môt cách riêng của mình và không ai giống ai, do đó nếu chúng ta có đọc thấy hai bài phân tích kỹ thuật mà nó ngược nhau về chiều hướng thì cũng không có nghĩa là ..sai, mà chẳng qua chỉ là quan điểm chủ quan của người phân tích mà thôi, bởi khi tất cả cùng nghĩ giống nhau chúng ta hay bị rơi vào cái bẫy (bear trap) mà các nhà đầu cơ lớn giăng sẵn. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải xem thêm lượng hợp đồng quan tâmmở (Op.int) hay lượng hợp đồng các vị thế Mua/Bán (Long/Short) để đối chiếu với ngày giao dịch cuối cùng (last trading day).

3- Yếu tố chính trị xã hội :

Những diễn biến thay đổi chính trị trên trên thế giới cũng là nguyên nhân tác động không những đến giá cà phê mà còn nhiều mặt hàng khác như dầu, vàng, giá tiền tệ mạnh như USD v.v.., tôi nhớ có thời gian những năm 2004-2005-2006 chả cần nhìn giá cà phê làm gì, cứ mở Forex mà xem USD nó thế nào thì cũng có thể suy ra được giá cà phê!

Như khi Biển Đông căng thẳng chẳng hạn, có nghĩa là giá vận chuyển tăng (do bảo hiểm tăng hay do giá dầu tăng…) có nghĩa để mua được 1 tấn cà phê, người mua (Buyer) cần trả nhiều chi phí hơn thì họ có thể phải trả thêm, như tình hình hiện nay cước vận chuyển tàu biển đang rục rịch tăng thêm. Việc dư hàng hay thiếu hàng lại chẳng liên quan gì đến cà phê có nhiều hay ít trên thị trường mà lại liên quan đến vấn đề kỹ thuật (các báo cáo Liffe Certificate về lượng tồn tại các cảng Antwerp , Barcelona hay New Orlean…) hay tại các thời điểm chốt sổ giao hàng thực … Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu là thế giới bây giờ như một cái chợ vốn, các đầu tư không chỉ chơi một thứ mà họ đầu tư vào nhiều thứ : vàng, dầu hỏa, tiền tệ, hàng hóa (cà phê là một loại mặt hàng) khi thị trường này khó khăn thì vốn sẽ được điều chuyển sang thị trường khác, hoặc họ sẽ đầu cơ trên các yếu tố chính trị,kinh tế tác động đến như sức mạnh/yếu của một đồng tiền nào đó.

Qua đó chúng ta thấy mục thứ 2 và 3 vượt ngoài tầm tay của Nông Dân, chỉ có mục số 1 là khả dĩ bà con có thể tự chủ hay nói cách khác là có thể tác động vào được.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng World Cup cũng là một sự kiện lớn trong năm nó diễn ra có tác động qua lại vào những yếu tố đã được nói đến, tuy nhiên để nói nó tác động trực tiếp vào giá cả cà phê thì xa vời quá, chúng ta nên quan tâm vào những điều gần gũi mà chính chúng ta có thể tác động vào, đó mới chính là điều then chốt .

Theo Phạm Vỹ (Giá cà phê)