Vươn lên từ lầm lỗi

Họ là những thanh niên đã từng vướng phải lỗi lầm trong quá khứ, thế nhưng với nỗ lực của bản thân họ đang cố gắng làm lại cuộc đời, vươn lên trong cuộc sống.

Bước qua “miền trắng”

Từng chìm đắm trong làn khói trắng của ma túy nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh Hoàng Văn Vấn, dân tộc Tày, trú tại thôn Tam Lập, xã Ea Tam (huyện Krông Năng), đã đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, trở thành một người cha, người chồng, công dân tốt của gia đình và xã hội.

images1111384_images899780_Trao_v_n_kh_i_nghi_p
Đại diện Tỉnh Đoàn trao vốn Quỹ “Khởi nghiệp” và nguồn vốn vay “Giải quyết việc làm” cho các thanh niên sau cai nghiện.

Sinh năm 1984, quê ở Bắc Cạn, là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh, chị em, năm 2000 Vấn cùng gia đình vào huyện Krông Năng lập nghiệp. Bố mất sớm, hoàn cảnh khó khăn nên học hết cấp II, Vấn bỏ học phụ gia đình làm kinh tế. Nhưng vì theo lời rủ rê của kẻ xấu, chỉ một lần thử Vấn đã nghiện ma túy. Mẹ và anh bỏ về quê, bao nhiêu tích lũy của gia đình tiêu tan theo từng làn khói trắng của Vấn. Vấn tâm sự: “Có một lần về nhà thấy nhà cửa trống trơn; vợ, con thì bữa đói, bữa no mình mới quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời”. Nghĩ thì dễ, nhưng thực hiện thì không hề dễ dàng chút nào, Vấn mua và tự xích chân mình vào góc nhà mỗi lần lên cơn, Vấn kể lại: “Ma túy rất thảm khốc, mỗi khi lên cơn, toàn cơ thể lúc lạnh thấu xương, khi lại nóng ran; từ trong xương như có con gì vừa bò, vừa cắn … Vừa cai, vừa tích cực lao động, vận động nên chỉ một thời gian sau, cơn nghiện của mình bắt đầu giảm dần”. Gần 2 năm vật vã, đến năm 2012 thì Vấn đã cắt được cơn hoàn toàn.

Cai nghiện thành công, Vấn bắt tay vào làm để vực dậy kinh tế gia đình. Đầu tiên anh quyết định bán mảnh đất của gia đình khi cà phê đang cho thu hoạch. Vấn cho biết: “Ở đất cũ những đối tượng xấu thường xuyên lui tới, lại hay rủ rê nên mình quyết tâm mua mảnh đất mới ở thôn Tam Điệp, diện tích nhỏ, đường vào rẫy cũng xa và khó đi hơn nhưng đã giúp mình dần đoạn tuyệt với quá khứ lầm lỗi”. Vấn bắt đầu trồng những cây ngắn ngày, sau đó tích lũy trồng thêm cà phê để phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, anh cũng được vợ là chị Hoàng Thị Bắc, ủng hộ và luôn sát cánh bên anh. Chị vừa chăm con, ngoài thời gian làm rẫy lại nhận thêm đồ, quần áo cũ về sửa để có thêm thu nhập. Chăm chỉ lao động, tiết kiệm chi tiêu, lại được bà con ủng hộ, chính quyền địa phương động viên giúp đỡ nên giờ đây Vấn và gia đình đã có một nền tảng ổn định với gần 900 cây cà phê trồng xen canh tiêu, bơ booth, sầu riêng… Vấn tâm sự: “Để vượt qua sự quyến rũ của “nàng tiên nâu” rất cần sự quyết tâm của bản thân; ngoài vợ và gia đình, mình cũng có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tạo điều kiện để được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng làm vốn. Nhờ những sự hỗ trợ trên, mình mới có thể vươn lên làm lại cuộc đời như bây giờ”.

Anh Hoàng Văn Nghiệp, Trưởng Công an xã Ea Tam cho biết, bên cạnh sự động viên, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, chính sự nỗ lực của bản thân đã giúp anh Vấn tự cai nghiện thành công. Tại địa phương, Vấn chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào… Vấn cũng đã vinh dự được tham dự những buổi giao lưu, gặp gỡ gương thanh niên điển hình hoàn lương do UBND huyện và UBND tỉnh tổ chức trong các năm 2013 và 2014.

Hoàn lương với mô hình nấm

Được tin tưởng bầu làm xã đội trưởng nhưng do hiểu sai về chính sách đất đai, lâm nghiệp phá rừng gây hậu quả, nên năm 2010 anh Đinh Ái Thương, sinh 1979, dân tộc Mường, thôn Giang Tân, xã Ea Puk (huyện Krông Năng) bị tuyên án 4 năm tù. Đến năm 2013, do cải tạo tốt, khắc phục hậu quả gây ra, anh Thương được đặc xá.

images1111385_IMG_0509
Anh Đinh Ái Thương (trái) giới thiệu mô hình trồng nấm của gia đình.

Ngày trở về, 5 sào đất chỉ một mình người vợ chăm sóc nên năng suất và chất lượng cây trồng sụt giảm nhiều. Theo chị Đinh Thị Thanh Liệu, Bí thư Đoàn xã, biết anh Thương còn nhiều tự ti, mặc cảm nên Chi đoàn thường xuyên xuống động viên; bên cạnh đó Công đoàn UBND xã vận động được 30 triệu đồng và Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho anh Thương vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội làm vốn để phát triển kinh tế. Trong thời gian thụ án, với bản tính chăm chỉ, ham học hỏi anh Thương đã học được phương pháp trồng nấm do cán bộ trại hướng dẫn. Nhận thấy đây là mô hình mới tại địa phương, cùng với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh Thương đã mạnh dạn thực hiện. Năm đầu tiên, trồng thử nghiệm anh lên TP. Buôn Ma Thuột mua nguyên liệu. 3000 bao nấm sò lứa đầu tiên đã cho anh Thương thu hoạch hơn 1 tấn nấm và lứa thứ hai đã cho gần 5 tấn. Với thành công bước đầu và nhằm giảm chi phí sản xuất, anh Thương lại tự nghiên cứu và xây một phòng hấp nhiệt. Lứa nấm mới này, anh mạnh dạn thực hiện 12.000 bao và nâng cao kỹ thuật trồng nấm, theo đó một bao nấm của anh bây giờ cho ra 3 loại, gồm: nấm mèo, nấm sò và nấm rơm.

Bên cạnh việc trồng nấm, anh cũng trồng thêm tiêu, bơ booth, sầu riêng xen canh cây cà phê nhằm nâng cao thu nhập và dành một khoảng sân để trồng thêm các loại rau xanh tự túc cho gia đình. Biết anh Thương tu chí phát triển kinh tế, lại có một vườn nấm hoạt động hiệu quả nên bà con trong thôn rất mừng; thường xuyên đến động viên và học hỏi cách trồng nấm, anh Thương cũng không giấu nghề mà tận tình chỉ bảo. Anh Thương tâm sự: “Những ngày đầu trở về nhà, tôi rất mặc cảm nhưng bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cũ và gia đình tin tưởng, thường xuyên động viên, đây chính là nguồn cổ vũ rất lớn cho để tôi phát triển kinh tế và làm lại cuộc đời. Bên cạnh đó là niềm vui khi hai con của tôi đều chăm ngoan, cháu lớn năm nay học lớp 7 và năm nào cũng được tặng giấy khen là học sinh giỏi, tiên tiến”.

Nguồn Baodaklak.vn