Nhiều người dân điêu đứng
Những ngày qua, tin xấu về các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê lớn ở Tây Nguyên thua lỗ, nợ nần chồng chất… đang lan rộng. Thông tin này tiếp nối với hàng chục vụ vỡ nợ cà phê xảy ra suốt từ năm 2008 đến 2011, thiệt hại cho nông dân vẫn chưa thống kê hết được.
Nhiều người dân ở Đắk Lắk đang hoang mang với thông tin Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, nợ quá hạn hơn 1.600 tỷ đồng. Những người này đã ký gửi hàng trăm tấn cà phê cho đại lý cà phê Kim Ngọc, Kim Ngọc lại đem cà phê ký gửi cho Vinacafe Buôn Ma Thuột và dẫn đến tranh chấp.
Người dân hoang mang về thông tin Vinacafe Buon Ma Thuot nợ hơn 1.600 tỷ đồng
Ký gửi hàng trăm tấn cà phê
Theo trình bày của bà Võ Thị Kim Ngọc – trú tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk – với cơ quan chức năng thì từ năm 2007 đến ngày 9/11/2010, đại lý cà phê Kim Ngọc do bà làm chủ đã ký gửi cho Vinacafe Buon Ma Thuot 18.564,476 tấn cà phê nhân. Bà Ngọc có xuất 11 hóa đơn GTGT theo giá tạm tính, mục đích để xác nhận số lượng cà phê ký gửi, đồng thời để Vinacafe Buôn Ma Thuột làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Khi giá cà phê lên cao, bà Ngọc đề nghị công ty chốt giá thanh toán, nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột cho rằng số cà phê này đã mua đứt bán đoạn.
Liên quan đến vụ tranh chấp, hiện có hàng chục người dân điêu đứng, bởi phần lớn số cà phê này là do bà Ngọc nhận ký gửi của họ. Nông dân Nguyễn Văn Thực – thôn 1, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột – có 2,6ha cà phê, tích cóp mấy vụ ký gửi cho đại lý Kim Ngọc 22 tấn cà phê nhân. Ông Thực mới chốt giá bán được 6,4 tấn để tái đầu tư cho vườn cây, còn lại 15,6 tấn đến nay vẫn chưa lấy được tiền. Ông Thực bức xúc: “Đã nhiều lần tôi đề nghị chốt giá thanh toán, nhưng lần nào bà Ngọc cũng nói chờ Vinacafe Buôn Ma Thuộtchốt giá thanh toán với đại lý thì mới có tiền trả cho tôi. Nếu trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi phải cày cuốc 3 năm trời mới có được chừng đó cà phê, nhưng không biết bao giờ mới lấy được”.
Từ khi quen biết đại lý cà phê Kim Ngọc, bà Vũ Thị Thu Thảo – ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột – cũng đem cà phê đến ký gửi. Về sau bà Thảo bán luôn 4ha cà phê ở xã Đắk R’la, huyện Đắk Min (Đắk Nông) và thế chấp căn nhà tại TP. Buôn Ma Thuột để mua 19,5 tấn cà phê gửi cho bà Ngọc. Bà Thảo mới lấy tiền được 1 tấn để trả lãi ngân hàng, còn lại 18,5 tấn thì Kim Ngọc chỉ vào… Vinacafe Buôn Ma Thuột. “Sau nhiều lần đi cùng bà Ngọc đến công ty đòi nợ, tôi mới tin đó là sự thật. Sự thật này làm tôi mất nhà, bây giờ phải tá túc nhà mẹ đẻ” – bà Thảo cay đắng nói. Còn ông Nguyễn Ngọc Hoàng – thôn 10, xã Hòa Thắng – thì kiện đại lý cà phê Kim Ngọc ra tòa. Tại bản án 145/2011/DSPT ngày 16/9/2011, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên buộc bà Ngọc phải trả 8.259,6kg cà phê cho nguyên đơn, song đến nay bà Ngọc vẫn chưa trả được.
Bà Ngọc cũng thừa nhận còn nợ hơn 50 người là nông dân, hộ buôn bán cà phê nhỏ với tổng số hàng quy ra tiền là khoảng 50 tỷ đồng.
Chờ phán quyết của tòa
Trước áp lực đòi nợ từ nông dân, đại lý cà phê Kim Ngọc đã khởi kiện Vinacafe Buôn Ma Thuột ra tòa. TAND TP Buôn Ma Thuột nhận định: Bà Ngọc mua cà phê ký gửi cho Vincafe Buôn Ma Thuột, công ty cho bà Ngọc ứng tiền và tính lãi suất. Khi nhập hàng vào kho công ty, bà Ngọc có xuất hóa đơn nhưng chỉ ghi giá tạm tính để công ty vay tiền ngân hàng, hai bên chưa làm thủ tục mua bán cũng như chưa khấu trừ số tiền tạm ứng và lãi suất. Tại các biên bản đối chiếu công nợ đến trước thời điểm khởi kiện vẫn thể hiện bà Ngọc còn nợ tiền ứng, tiền lãi với công ty. Như vậy bà Ngọc chưa bán số hàng này cho Vinacafe Buôn Ma Thuột nên HĐXX tuyên buộc công ty phải trả cho bà Ngọc 18.356,476 tấn cà phê. Theo bà Ngọc, số lượng cà phê này trị giá khoảng 800 tỷ đồng nên sau khi trừ tiền ứng và lãi suất cho công ty, bà vẫn còn khoảng 160 tỷ để trả nợ cho nông dân. Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm ngày 22.2.2012, TAND tỉnh Đăk Lăk đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu. Vụ tranh chấp đến nay vẫn chưa được xét xử lại. Không chỉ đại lý cà phê Kim Ngọc mà hơn 50 khổ chủ là nông dân bị vạ lây cũng đang chờ đợi, hy vọng vào phiên xử này./.
Những ngày qua, tin xấu về các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê lớn ở Tây Nguyên thua lỗ, nợ nần chồng chất… đang lan rộng. Thông tin này tiếp nối với hàng chục vụ vỡ nợ cà phê xảy ra suốt từ 2008 đến 2011, thiệt hại cho nông dân vẫn chưa thống kê hết được. Người ta lo ngại rằng, các đại lý vỡ nợ, đã làm nông dân mất hàng ngàn tấn cà phê, hàng trăm tỷ đồng, thì với tình thế điêu đứng của các doanh nghiệp lớn lúc này, liệu có xảy ra những hậu quả tương tự với nông dân hay không? – Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên: “Số nợ quá hạn 1.600 tỷ đồng của Vinacafe Buon Ma Thuot là có thật, nhưng đây không phải là số liệu thua lỗ, mà lỗ khoảng 600 tỷ. Nguyên nhân là do công ty vay 55 triệu USD, sau đó tỷ giá biến động tăng, chính sách siết chặt tín dụng. Số nợ 1.600 tỷ cũng không phải là mất khả năng thanh toán, bởi vốn vay được công ty đầu tư vào tài sản, mà hiện nay tài sản đó vẫn còn. Cụ thể là hệ thống kho trị giá hơn 1.500 tỷ, hàng tồn kho trị giá hơn 500 tỉ, cộng với một số tài sản khác nữa là có hơn 2.000 tỷ để trả nợ. Hiện công ty đang bán hàng tồn kho, xem xét bán bớt tài sản để cơ cấu lại nợ, xin miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để tiếp tục hoạt động bình thường”. – Ông Võ Văn Hoàng, nông dân trồng cà phê ở xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc: “Việc các doanh nghiệp cà phê lớn trên địa bàn bị thua lỗ, vỡ nợ không ảnh hưởng gì đến đời sống của nông dân chúng tôi. Vì đã mấy năm nay, tình trạng bất ổn trong kinh doanh cà phê đã giúp nông dân chúng tôi rút ra được nhiều bài học xương máu. Các đại lý vỡ nợ nhiều quá, xù nông dân nhiều quá, nên chúng tôi phải tự tạm trữ cho chắc ăn. Chúng tôi chấp nhận rủi ro khác, tạm trữ để chờ giá lên, chỉ bán khi quá cần. Tuy nhiên nói như vậy không phải những khó khăn hiện nay là chuyện riêng của các doanh nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh hiện nay giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nông dân sẽ bán sản phẩm cho doanh nghiệp nào có giá mua cao hơn, điều đó vô hình chung tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh chiếm lĩnh thị trường. Nhưng chúng tôi lo sợ rằng, khi đã độc quyền thì hậu quả nông dân gánh chịu sẽ không ít. Nông dân chúng tôi biết điều đó nhưng vì cái lợi trước mắt không cứu được doanh nghiệp Việt Nam.” – Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk): “Các doanh nghiệp cà phê lớn ở Tây Nguyên đến thời điểm này mới có thông tin về thua lỗ và nợ lớn là vì họ giấu, sợ ảnh hưởng đến danh tiếng. Và phần khác là do họ cố cầm cự, nhưng đến nay thì đã thấm đòn rồi. Xu thế sắp tới, nếu không có chính sách phù hợp và kịp thời thì các doanh nghiệp cà phê FDI sẽ thống lĩnh toàn bộ thị trường cà phê Việt Nam. Sức ép cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng, phép màu về tín dụng, lãi suất tiền đồng rất khó để có được. Nếu doanh nghiệp cà phê Việt Nam không lột xác đến chảy máu, thì việc mất hết thị trường sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần./. |