Vụ kiện hành chính Trường Mầm non 1/6, Tòa án sai, Viện Kiểm sát đúng?

Ngày 3/9/2014 TAND tỉnh Đắk Lắk vừa tuyên bác các nội dung kháng nghị của Viện KSND tỉnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm trong vụ án hành chính liên quan đến bà Bùi Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục 1/6 TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Vụ việc được cán bộ, người dân trong tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm trong quá trình xét xử sơ thẩm và cả phúc thẩm cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra xung quanh vụ việc này…

Trường Mầm non Tư thục 1/6 tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Trường Mầm non Tư thục 1/6 tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Nắm giữ trên 71% cổ phần không có tên trong Hội đồng quản trị (HĐQT)

Trường Mầm non Tư thục 1/6 TP Buôn Ma Thuột được thành lập năm 1998 do bà Bùi Thị Hồng Vân làm chủ. Khoảng 10 năm sau bà Vân sang nhượng cổ phần cho một số người khác. Đến ngày 8/2/2010 bà Vân tổ chức cuộc họp cổ đông, trong đó xác định rõ số tiền góp vào trường là 13.832.400.000 đồng. Tất cả có 3 cổ đông góp vốn là các bà: Trần Thị Lệ Dung 38% cổ phần; Đặng Thị Hòa 33% và Phạm Như Ngọc 29%, trong đó bà Ngọc được bầu làm Chủ tịch HĐQT, đối với bà Vân không còn là cổ đông nữa mà là người được 3 thành viên trong HĐQT nêu trên thuê làm Hiệu trưởng.

Ngày 9/6/2010, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định số 1628/QĐ-UBND công nhận HĐQT Trường Mầm non Tư thục 1/6 có 3 thành viên gồm bà Phạm Như Ngọc làm Chủ tịch, bà Bùi Thị Hồng Vân và ông Trần Duy Khánh (con trai bà Vân) làm thành viên. Toàn bộ thủ tục đều do bà Vân trực tiếp làm và trình kí.

Bức xúc vì đã bỏ ra số tiền lớn để mua cổ phần mà không thấy tên trong HĐQT như cuộc họp cổ đông đã thống nhất, bà Dung và bà Hòa dự định tố cáo với cơ quan Công an về hành vi của bà Vân mà họ cho là bà Vân đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Lập tức bà Vân đã thương lượng với bà Dung và bà Hòa bằng cách làm văn bản cam kết: Hai mẹ con bà Vân chỉ đứng giùm tên cổ phần cho bà Hòa và bà Dung chứ không có bất cứ sự tranh chấp nào về cổ phần (cam kết kí ngày 10/6/2012).

Chủ tịch HĐQT nhưng không được thực hiện quyền pháp luật quy định

Mặc dù bà Phạm Như Ngọc giữ chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 9/6/2010 nhưng bà Ngọc không hề được thực hiện các quyền đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2008 và sau này là Thông tư 28/2011/TT-BGDĐT ngày 15/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Gồm các quyền như: Giám sát Hiệu trưởng và giáo viên trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; thỏa thuận mức học phí với cha mẹ hoặc người bảo trợ trẻ; quyền điều hành bộ máy tổ chức, sử dụng con dấu của nhà trường, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; chủ trì các hoạt động và tổ chức thực hiện các quyết định của HĐQT. Thậm chí bà Ngọc và bà Hòa, bà Dung nhiều lần vào trường để đề nghị làm việc với bà Vân đều bị lực lượng bảo vệ trường ngăn cản. Mọi hoạt động của nhà trường từ tài chính, chuyên môn, điều hành bộ máy, v.v… đều do bà Vân tự định đoạt.

Một đơn vị có 2 con dấu?

Thời điểm tháng 8/2010 Phòng GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các trường làm con dấu mới cho đúng với tên gọi mới bà Vân bàn giao con dấu cũ cho bà Dung (bà Dung không hề biết chủ trương làm lại con dấu). Sau đó bà Vân khai với cơ quan chức năng là con dấu của trường bị mất và tự ý làm con dấu mới. Có con dấu mới, bà Vân tiếp tục quản lí và sử dụng để thực hiện mọi giao dịch và các hoạt động mà không hề bàn bạc, trao đổi với Chủ tịch HĐQT khiến 3 cổ đông bức xúc. Bà Dung đã từng trình báo với cơ quan Công an TP Buôn Ma Thuột Công an tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này nhưng không thấy hồi âm từ phía cơ quan quan chức năng(!).

Tại phiên xét xử sơ thẩm (28/3/2014) và phúc thẩm (28/8/2014) bà Dung đều đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận đề nghị của bà về việc yêu cầu Cơ quan Điều tra làm rõ hành vi bà Vân khai trước tòa là dấu cũ bị bà Dung lấy cắp, nhưng khi đi làm con dấu mới bà Vân lại khai trong hồ sơ là con dấu bị mất. Trong phiên xử phúc thẩm bà Dung cũng đã trình cho Hội đồng xét xử xem giấy biên nhận bà Vân từng mượn con dấu từ bà Dung. Song chủ tọa phiên tòa phúc thẩm chỉ trả lời các tình tiết đó không liên quan đến vụ kiện hành chính.

Tòa án sai, Viện Kiểm sát đúng?

Để làm rõ các vấn đề liên quan đến cổ phần và hoạt động của HĐQT nhiều lần bà Ngọc (Chủ tịch HĐQT) và bà Dung, bà Hòa vào Trường Mầm non 1/6 mời bà Vân hợp tác để làm thủ tục kiện toàn lại HĐQT mới và cùng quản lí trường nhưng bà Vân không hợp tác. Sau đó 3 cổ đông đã chủ động tiến hành các thủ tục về mặt pháp lí đệ trình cấp có thẩm quyền về việc kiện toàn HĐQT Trường Mầm non 1/6. Ngày 19/11/2012, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định 618 về việc kiện toàn HĐQT Trường Mầm non 1/6 có 3 thành viên gồm các bà: Phạm Như Ngọc, Trần Thị Lệ Dung và Đặng Thị Hòa, trong đó bà Phạm Như Ngọc vẫn là Chủ tịch HĐQT.

Mặc dù không phải tư cách là đại diện cho Trường Mầm non 1/6, cũng không phải là cổ đông nhưng bà Vân cho rằng Quyết định 618 ban hành trái quy định của pháp luật nên làm đơn kiện Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Buôn Ma Thuột. Tòa sơ thẩm (TAND thành phố) tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị Hồng Vân và hủy Quyết định 618 của Trưởng phòng GD&ĐT thành phố. Tòa phúc thẩm cũng tuyên không chấp nhận các nội dung kháng nghị của Viện KSND tỉnh, giữ nguyên án sơ thẩm. Trong khi đó kháng nghị của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng Quyết định 618 của Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Buôn Ma Thuột được ban hành đúng quy định của pháp luật. Kháng nghị cũng đưa ra một số căn cứ về việc Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, quy định tại khoản 3, Điều 205 Bộ luật Tố tụng Hành chính.

Ngày 3/9/2014 sau phán quyết của Tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn và 3 cổ đông của Trường Mầm non 1/6 cho biết họ sẽ gửi đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn Nguoicaotuoi.com