Vụ chết rồi vẫn chưa được minh oan ở Đắk Lắk: Đùn đẩy trách nhiệm

Một người dân bị oan sai hơn 18 năm, đến lúc qua đời vì bệnh tật vẫn chưa được các cơ quan tố tụng ở Đắk Lắk xin lỗi, bồi thường mà đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Ngày 6-11, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết đến nay vẫn chưa thống nhất được cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong việc xin lỗi, bồi thường oan sai cho ông Trịnh Công Minh (ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).

Điều tra trong… 18 năm!

Theo đơn tố cáo của ông Minh, ngày 2-2-1997, ông đến nhà ông Trần Hợp Sơn (thị trấn Buôn Trấp). Tại đây, ông nhờ người bạn là ông Nguyễn Bá Tính vay ông Sơn 1 chỉ vàng. Trong lúc 3 người ngồi nói chuyện thì có 4 công an bước vào hỏi ông Sơn về nguồn gốc máy móc, phụ tùng xe máy ở trong nhà. Sau khi kiểm tra giấy tờ, 4 công an lại hỏi về chiếc xe máy dựng ở hông nhà nhưng ông Sơn trả lời không biết. Sau khi nói chuyện riêng với ông Sơn, 4 công an lập biên bản rồi mời ông Minh và ông Tính về trụ sở Công an huyện Krông Ana.

Theo báo cáo của TAND tỉnh Đắk Lắk, ngay trong ngày 2-2-1997, Công an huyện Krông Ana ra lệnh bắt khẩn cấp và lệnh tạm giữ 40 ngày đối với ông Minh về hành vi trộm cắp tài sản, sau đó ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Ngày 2-4-1997, Công an huyện Krông Ana ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Minh. Sau khi VKSND huyện Krông Ana ra cáo trạng truy tố, ngày 2-10-1997, TAND huyện Krông Ana mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù.

Bà Tống Thị Thanh Tâm bên đống hồ sơ kêu oan, đề nghị xin lỗi, bồi thường cho chồng

Ông Minh kháng cáo nên ngày 18-12-1997, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ; đồng thời giao cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Ngày 9-5-1998, VKSND huyện Krông Ana tiếp tục ra cáo trạng truy tố ông Minh về hành vi trộm cắp tài sản. Tháng 6-1998, TAND huyện mở phiên tòa, HĐXX tiếp tục trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung các chứng cứ buộc tội.

Ngày 22-7-1998, VKSND huyện Krông Ana quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh và 5 ngày sau, Công an huyện Krông Ana quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Vậy nhưng, mãi đến ngày 19-3-2015, Công an huyện Krông Ana mới quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Minh do thời hạn điều tra vụ án đã hết mà không chứng minh được bị can phạm tội.

Bà Tống Thị Thanh Tâm (vợ ông Minh) nghẹn ngào cho biết sau hơn 18 năm kêu oan, 3 năm yêu cầu xin lỗi, vào đầu năm 2018, ông Minh đã mất do bệnh tật. Những ngày cuối đời, ông Minh nhờ vợ tiếp tục hành trình đi tìm công lý. “Hơn 17 tháng bị giam oan, trên 18 năm chồng tôi mang thân phận bị can nhưng các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm, đến khi chết rồi vẫn chưa được minh oan” – bà Tâm bày tỏ uất ức.

Không cơ quan nào nhận trách nhiệm

Sau khi được xác định oan sai, ông Minh yêu cầu bồi thường. Thế nhưng, tại cuộc họp liên ngành vào ngày 10-6-2015, các cơ quan thẩm quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đại diện Công an và VKSND huyện Krông Ana cho rằng TAND huyện phải chịu trách nhiệm bồi thường nhưng tòa án này đẩy việc bồi thường cho 2 cơ quan trên.

Cấp huyện đẩy lên cấp tỉnh và tiếp tục họp bàn với Công an, VKSND, TAND tỉnh Đắk Lắk nhưng không có cơ quan nào nhận trách nhiệm. Quan điểm của cơ quan CSĐT 2 cấp cho rằng TAND huyện Krông Ana đã xét xử sơ thẩm, cấp phúc thẩm hủy án điều tra lại, sau đó cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì không chứng minh được bị can phạm tội nên căn cứ vào luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì TAND huyện Krông Ana phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tương tự, quan điểm của VKSND 2 cấp cho rằng việc đình chỉ hay tạm đình chỉ tại thời điểm năm 1998 không thay đổi bản chất sự việc là không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm nên tạm đình chỉ thời điểm nào đó ngầm hiểu là đình chỉ vì lý do “Thời hạn điều tra đã hết mà không chứng minh được bị can thực hiện phạm tội”.

Trong khi đó, quan điểm của TAND 2 cấp tỉnh Đắk Lắk cho rằng sau khi tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm thì VKSND huyện Krông Ana vẫn tiếp tục truy tố. Sau đó, cơ quan điều tra làm mất hồ sơ vụ án nên tòa cấp sơ thẩm không xác định được cơ quan CSĐT đã điều tra những nội dung gì, hoạt động tố tụng diễn ra như thế nào, những tài liệu đang điều tra bổ sung có trong hồ sơ vụ án đã đủ chứng cứ chứng minh ông Minh phạm tội hay không?

Bên cạnh đó, sau 17 năm, cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Ana mới quyết định đình chỉ. Như vậy, lỗi thuộc về Công an và VKSND huyện Krông Ana…

Viện và tòa phải chịu trách nhiệm?

Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng theo luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, khi tòa đã xử bị cáo có tội, gây ra án oan thì tòa phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở đây, khi tòa phúc thẩm hủy án nhưng VKSND vẫn tiếp tục truy tố oan với ông Minh. Như vậy, TAND và VKSND huyện Krông Ana phải chịu trách nhiệm liên đới. “Tòa và viện phải ngồi lại, bàn bạc, thống nhất với nhau trong việc xin lỗi, bồi thường oan sai cho ông Minh” – luật sư Tòng nêu quan điểm.