Vụ cà phê gửi kho Inexim Dak Lak: Ai phải trả 188 tấn cà phê?

Đầu tháng 5 này, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng báo Dak Lak thông báo bán toàn bộ phần vốn nhà nước mà doanh nghiệp này đang quản lý tại Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Dak Lak (Inexim Dak Lak), một hoạt động bình thường của SCIC nhưng lại gây nhiều lo ngại cho gần 200 cổ đông của Inexim Dak Lak.

phoi-ca-phe
Nông dân đang thu hoạch cà phê

Lý do là nó có liên quan tới khoản tiền hơn 6 tỉ đồng mà hiện nay Inexim Dak Lak phải trả cho thời kỳ còn là doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời câu chuyện này cũng liên quan tới chủ đề ký gửi cà phê mà hiện nay chuyên trang Nông sản Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đang đề cập trong tình hình nhiều vụ tranh chấp, vỡ nợ, phá sản, lừa đảo có liên quan tới ký gửi cà phê.

188 tấn cà phê gửi kho

Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Dak Lak (Inexim Dak Lak), có trụ sở chính đặt tại số 228 đường Hoàng Diệu, thành phố Buôn Ma Thuột, mà tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước thành lập vào năm 1976. Khi thực hiện cổ phần hóa kể từ ngày 24/7/2007, Inexim Dak Lak có vốn điều lệ là 35 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 16,5 tỉ đồng chiếm 47,14 % vốn điều lệ do Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ và 1 trong gần 200 cổ đông phổ thông khi thành lập.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2008 quyết định tăng vốn điều lệ lên thành 70 tỉ đồng bằng cách phát hành thêm 3.500.000 cổ phần với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu theo nguyên tắc tất cả các cổ đông được mua số lượng cổ phần phát hành thêm tương ứng với số cổ phần mà mỗi cổ đông đang sở hữu, khi đó cổ đông SCIC nhượng lại quyền được mua 1.650.000 cổ phần phát hành thêm của mình cho các cổ đông là nhà đầu tư chiến lược với giá 12.500 đồng/cổ phiếu, đến lúc này SCIC chỉ chiếm giữ 23,54% vốn điều lệ của Inexim Dak Lak nếu so với 47,14 % ban đầu.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp của Inexim Dak Lak để thực hiện cổ phần hóa không có khoản nợ 188.624 kg cà phê nhân xô của 40 hộ dân gửi kho từ những năm 1999 -2000 tại Xí nghiệp II trực thuộc công ty do ông Ngô Hữu Vinh làm giám đốc thời kỳ còn là doanh nghiệp nhà nước.

Sau khi chuyển sang công ty cổ phần thì các hộ dân gứi cà phê cho Ngô Hữu Vinh gửi đơn đến cơ quan điều tra và qua quá trình điều tra thì Ngô Hữu Vinh bị khởi tố hình sự. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 40/2008/HSST ngày 26/3/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Dak Lak đã tuyên phạt Ngô Hữu Vinh 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm tính từ ngày tuyên án vì đã phạm tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Về phần dân sự, tòa đã buộc Công ty cổ phần Inexim Dak Lak phải trả cà phê cho 40 hộ dân đã gửi kho cho Ngô Hữu Vinh.

Ai là người phải trả?

Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, Inexim Dak Lak làm đơn kháng án, tại bản án hình sự phúc thẩm số 516/HSPT ngày 31/7/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng tuyên “Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn dân sự là Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Dak Lak và giữ nguyên bản án sơ thẩm”.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm tài sản của công ty cổ phần sau khi cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước lại khác. Căn cứ điều 10 Nghị định số 109/2007NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ nêu rõ “Các nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định bổ sung sau khi đã quyết toán bàn giao cho công ty cổ phần không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần”.

Do vậy Inexim Dak Lak tiếp tục làm đơn kháng án lên Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND ) tối cao để yêu cầu kháng nghị và xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm bản án nói trên, đồng thời công ty gửi công văn báo cáo Bộ Tài chính và SCIC về nội dung hai bản án nêu trên.

Ngày 3/4/2009 Bộ Tài chính gửi văn bản số 4947/BTC-TCDN đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề cập trách nhiệm của công ty cổ phần do cổ phần hóa công ty nhà nước. Trước đó, ngày 13/10/2008 SCIC gửi văn bản số 652/TCT-ĐT3 đến tòa tối cao và viện kiểm sát khẳng định trách nhiệm trả nợ cà phê cho dân gửi kho thời kỳ còn là doanh nghiệp nhà nước không thuộc Công ty cổ phần Inexim Daklak.

Sau đó, tháng 4/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm số 08/QĐ-VKSTC-V3, “Kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 516/HSPT ngày 31/7/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng theo thủ tục giám đốc thẩm. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định hủy các quyết định của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và phần dân sự của bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 26./3/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Dak Lak để giải quyết lại từ giai đoạn sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật”.

Hơn 1 năm sau, ngày 6/7/2010 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm số 22/2010/HS-GĐT “Không chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 08/QĐ-VKSTC-V3 ngày 14/4/2009 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 516/2008/HSPT ngày 31/7/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng”.

Kết cục là Inexim Dak Lak buộc phải thi hành án theo Quyết định số 496/QĐ-THA ngày 01/9/2010 của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Dak Lak, trả cho nông dân hơn 188 tấn cà phê với giá trị gần 6 tỉ đồng.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tức là đã chuyển hình thức sở hữu, ở Inexim Dak Lak phần vốn nhà nước chỉ chiếm 23,54% vốn điều lệ thì mọi hoạt động của doanh nghiệp phải tuân theo Luật Doanh nghiệp (Luật số 60/2005/QH11), vốn, tài sản của Inexim Dak Lak sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần là của tập thể cổ đông, không thể có chuyện buộc cổ đông dùng tài sản của chính mình để trả cho khoản nợ mà họ không liên quan từ thời còn là doanh nghiệp nhà nước.

Nghị định của Chính phủ nói rằng công ty cổ phần không chịu trách nhiệm nhưng tòa án thì tuyên buộc công ty cổ phần phải trả khoản nợ từ thời kỳ là doanh nghiệp nhà nước.

Án đã có hiệu lực pháp luật thì doanh nghiệp phải thi hành, nếu không thì cơ quan thi hành án sẽ cưõng chế ngay tài sản, phong tỏa ngay tài khoản.

Lẽ ra nợ của nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm trả, trong trường hợp này, Hội đồng quản trị và ban điều hành Công ty Inexim Dak Lak phải cùng SCIC báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan chức năng thống nhất khấu trừ phần thiệt hại này vào phần vốn hiện có của nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần chứ không thể “im lặng để rồi cổ đông phải gánh chịu”, hoặc phải có phương án khác thay thế.

Nay SCIC đăng thông báo bán toàn bộ phần vốn của mình tại Inexim Dak Lak (Báo Dak Lak ra ngày 4/5/2011). Cổ đông Inexim Dak Lak mua cổ phần từ năm 2007 với mức giá đấu giá thành công bình quân 36.000 đồng/cổ phiếu đến nay chưa được chia một đồng cổ tức nào, nay lại gánh thêm khoản nợ 6 tỉ đồng từ trên trời rơi xuống. Và nếu SCIC bán thành công 1.650.000 cổ phần của mình thì ai trả nợ cho cổ đông?

Nguồn TBKTSG