Vinacafe Buôn Ma Thuột trần tình món nợ 1.600 tỷ đồng

Lãnh đạo công ty này nêu 3 nguyên nhân gồm: Chênh lệch tỷ giá; Lãi suất vay ngân và công ty dùng một số khoản vay ngắn hạn vào đầu tư dài hạn.

Chỉ nợ 1.600 tỷ, không phải 2.000 tỷ

Theo ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư XNK Cà phê Tây Nguyên, tình hình công nợ của Cty không ngừng dao động với biên độ lớn. Đỉnh điểm vào cuối năm 2010, có lúc dư nợ của doanh nghiệp lên đến 2.900 tỷ đồng. Con số khoảng 2.000 tỷ đồng được tạm tính vào ngày 5/1/2012, trong cuộc chốt nợ giữa Cty với 8 chi nhánh ngân hàng tại Đắk Lắk, sau đó giảm dần.

viancaphebuonmathuot

Số nợ của Vinacafe Buôn Ma Thuột có thể khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng trước sự mất mát của một thương hiệu cà phê lớn của Việt Nam

Ba nguyên nhân chủ yếu tạo nên khối nợ nghìn tỷ đối với đơn vị đã được trao danh hiệu Anh hùng lao động này gồm: Chênh lệch tỷ giá USD quá lớn giữa thời điểm vay và trả. Lãi suất vay ngân hàng từ năm 2010 tới nay từ 16-24%/năm khiến doanh nghiệp chao đảo. Cty dùng một số khoản vay ngắn hạn vào đầu tư dài hạn.

Ông Tiến khẳng định, hiện khối nợ của Cty còn khoảng 1.600 tỷ. Trong khi đó, nguồn tài sản gồm kho bãi, bất động sản tại vị trí đắc địa, đoàn xe tải 55 chiếc được các ngân hàng nhận thế chấp định giá cỡ 1.250 tỷ, cùng với lượng hàng tồn có thể bán tiếp trị giá cỡ 300 tỷ, khả năng trả nợ vẫn tốt nếu có được sự hỗ trợ về cơ chế xuất hóa đơn và đóng thuế thu nhập với các bên liên quan để thu xếp bán nợ cho ngân hàng.

Chưa đến mức “muốn chết cũng khó”?

Không riêng doanh nghiệp xuất khẩu, hầu hết công ty kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đều gặp khó. Sau thời kỳ cầm cự, đến nay, không ít đơn vị thừa nhận không còn đủ sức hoạt động, chờ phá sản…

Ông Trần Vĩnh Cảnh, chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, hiện có tới 767/2.380 doanh nghiệp trên địa bàn đang rơi vào tình trạng rất khó khăn do đói vốn, doanh số kém, không có nguồn thu. Trong số đó, 110 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 doanh nghiệp làm thủ tục phá sản.

Riêng về Cty Cổ phần Đầu tư XNK Cà phê Tây Nguyên, ngày 15/3/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định dừng dự án xây dựng công trình Trung tâm Thương mại tại huyện Cư Kuin của công ty này, vì không còn đủ sức triển khai.

Trước đó, một số báo có đưa tin Vinacafe Buôn Ma Thuột đang lâm cảnh “muốn chết cũng khó” vì nợ khó trả gần 2.000 tỷ đồng. Điều này khiến không ít người tiêu dùng tỏ rõ sự băn khoăn lo lắng trước sự mất mát, đi xuống của một thương hiệu từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng Công ty xuất khẩu cà phê nhân đơn lẻ lớn nhất toàn cầu.

Liên quan đến món nợ hàng nghìn tỷ và khả năng “sống” của công ty này, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty này thừa nhận, Vinacafe Buôn Ma Thuột cũng có những khó khăn, tuy nhiên đó là tình hình chung của các doanh nghiệp trong cả nước thời gian qua, “tất cả đều đang khó khăn, không riêng gì chúng tôi”.

“Chúng tôi khó khăn từ năm ngoái chứ không phải chỉ ở thời điểm hiện tại, nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng khắc phục để duy trì hoạt động, mặc dù thú thật là kinh doanh bị cầm chừng, thu hẹp lại do thiếu vốn. Mọi năm được 100.000 tấn cà phê nhân, còn bây giờ chỉ mua được chưa tới 20.000 tấn, nhưng thương hiệu Vinacafe Buôn Ma Thuột vẫn luôn khẳng định được mình và đứng vững trên thị trường”- ông Tám nhấn mạnh.

Do đó, việc nói Vinacafe Buôn Ma Thuột khó có khả năng trả nợ, “muốn chết cũng khó” như một tờ báo đã đưa là hoàn toàn không có thực.

Theo ông Tám, không trả nổi vốn vay là một việc khác, còn vấn đề đang gặp phải ở đây là nguồn tiền của Vinacafe Buôn Ma Thuột không cân đối. “Chúng tôi đã bỏ tiền vào sử dụng đầu tư nhà cửa, mua sắm trang thiết bị, máy móc, nâng cao công nghệ, đó là một trong những lý do khiến nguồn vốn của doanh nghiệp không thanh khoản” – ông Tám nói rõ hơn./.

Nguồn VOVonline