Viết tiếp “Chuyện lạ ở Đắk Lắk”: Quản lý thị trường vòi tiền trắng trợn

Sau chuyện “một tỉnh có đến 4 Phó chi cục quản lý thị trường”, chuyện “117 tấn phân bón vô cơ bị hành xử trái với chỉ đạo của Bộ Công thương”, Báo Lao Động & Đời sống tiếp tục nhận được những thông tin “lạ” liên quan tới lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đăk Lắk, trong đó có chuyện bác sĩ Y Thim Mlô (dân tộc Êđê) – Trưởng Trạm Y tế xã Dliêya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk – viết đơn đầy tâm trạng lo sợ vì bị đe dọa và bức xúc gửi các cơ quan Trung ương về việc “đội quản lý thị trường chiếm đoạt tiền của người dân”.

21-1_XOQY
Bác sĩ Y Thim Mlô – nạn nhân bị QLTT vòi tiền trắng trợn.

Vòi tiền “5 chai”

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin bác sĩ Y Thim Mlô gửi đơn tố cáo đến các cấp trung ương, cũng như phản ánh đến Báo Lao Động & Đời sống, phóng viên đã vào cuộc điều tra sự việc.

Theo nội dung bản tường trình của bác sĩ Y Thim Mlô (SN 1965) viết ngày 13.8, khoảng 9h40 sáng 12.8, sau khi trạm y tế xã tổ chức tiêm chủng hàng tháng, bác sĩ trở về nhà riêng và cũng là phòng khám ngoài giờ (ở số 5 Trung Hòa, xã Dliêya) thì có 5 cán bộ tự xưng là QLTT tỉnh Đắk Lắk đề nghị kiểm tra phòng khám của ông. Khi ông xuất trình toàn bộ các loại giấy tờ liên quan đến việc hành nghề y tế tư nhân thì các ông tự xưng là QLTT không thèm xem xét số giấy tờ mà nói “tìm nơi làm việc”. Bác sĩ Y Thim Mlô đưa họ vào trong phòng khám bệnh có ghế ngồi thì những cán bộ này từ chối và bảo: “Ở đây ồn ào, có bệnh nhân”. Sau đó, bác sĩ mời họ lên phòng khách ở nhà trên làm việc. Tại đây, các ông QLTT hỏi bác sĩ đã làm công tác (ngành y) mấy năm? Bác sĩ trả lời là làm 20 năm rồi, sau đó các QLTT gợi ý bác sĩ đưa 5 “chai”.

“Tôi không hiểu 5 “chai” là cái gì nên bảo vợ đưa 500.000 đồng, thế là một anh trong nhóm bảo 5 triệu đồng… Lúc đó, tôi bảo vợ đưa 1.000.000 đồng, các anh không lấy vì chê ít, trong đó có một anh ngăn cản và nói, thôi đừng lấy tiền bác Thim nữa, lần đầu nhắc nhở thôi, lần sau tính khác, vì bất chợt thấy camera gắn ở trên tường… Sau cùng, vợ tôi cũng phải đưa 2.000.000 đồng (4 tờ mệnh giá 500.000 đồng) thì các ông (QLTT) mới lấy và bước nhanh ra xe ôtô biển số 47C-2919 đi luôn”.

Phóng viên Báo Lao Động & Đời sống đã điều tra và xác nhận, phản ánh của bác sĩ Y Thim Mlô là chính xác về chiếc xe phương tiện mà các cán bộ QLTT đến phòng khám của bác sĩ vòi tiền. Chiếc xe ôtô bán tải, hiệu Ford, đời 2009, mang biển số 47C-2919 chính xác là xe công, thuộc Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk, số 8, đường Nguyễn Công Trứ, TP.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Bác sĩ Y Thim Mlô xác định, người “vòi” và nhận tiền có tên là Dũng, thậm chí ông Dũng còn để lại số ĐTDĐ là 09035668… 4 người đi cùng ông Dũng đều thuộc Đội QLTT số 4 (trực thuộc Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk) ở địa chỉ số 5, đường Lê Hồng Phong, TX.Buôn Hồ. Đội này quản lý 4 địa bàn là TX.Buôn Hồ, huyện Krông Búk, huyện Ea H’leo và huyện Krông Năng.

Bác sĩ Y Thim Mlô bức xúc: “Tại sao phòng khám ngoài giờ của gia đình tôi hoạt động từ nhiều năm qua, được Sở Y tế tỉnh cấp giấy phép, hàng năm được các cơ quan chức năng của ngành đến kiểm tra việc khám và chữa bệnh đều không có vấn đề gì sai phạm thì việc kiểm tra đơn phương của QLTT liệu có điều gì bất thường? Không những thế, kiểm tra mà không lập biên bản và nhận số tiền 2.000.000 đồng cũng không viết phiếu thu thì số tiền đó có nộp vào ngân sách Nhà nước không? Hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh tiền trắng trợn của nhóm người này đã làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ QLTT, để lại tật xấu cho thế hệ sau, cần phải được xử lý thích đáng theo pháp luật”.

Tiếp tục điều tra vụ việc chấn động này, chúng tôi đã đến gặp ông Y Téo – Chủ tịch UBND xã Dliêya. Vị chủ tịch xã này khẳng định: “Bác sĩ Y Thim Mlô làm việc trong ngành y tế địa phương từ năm 1995, đến nay đã 20 năm, trong suốt thời gian đó, về đạo đức và chuyên môn chưa hề để lại điều tiếng xấu. Về phòng khám ngoài giờ của bác sĩ Y Thim Mlô, hàng năm ở trên tỉnh cũng về kết hợp với chính quyền địa phương kiểm tra định kỳ, xác định bác sĩ Y Thim Mlô làm tốt công tác khám và chữa bệnh cho bệnh nhân”.

Khi được hỏi về chuyện QLTT đến nhũng nhiễu và vòi tiền tại phòng khám của bác sĩ Y Thim Mlô, ông Y Téo – Chủ tịch UBND xã – cho biết: “Việc kiểm tra phòng khám tại nhà riêng bác sĩ Y Thim Mlô của đội QLTT số 4 vào ngày 12.8 vừa qua là do họ có quyền kiểm tra mà không cần thông báo cho xã biết nên chúng tôi cũng không biết nội tình như thế nào. Tuy nhiên vào ngày 7.9, trong cuộc họp chi bộ Đảng ở xã, ông Y Thim Mlô đã rất bức xúc báo cáo lại về việc này và nói rằng, sự việc kiểm tra của QLTT khiến ông cùng gia đình hoang mang; danh dự, uy tín bị tổn thất nghiêm trọng”.

Bác sĩ Y Thim Mlô cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc, ngày 3.9, ông Nguyễn Đào Chí – Phó Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk – cùng ông Hứa Tự Hồng – Đội trưởng Đội QLTT số 4 – đã đến tận nhà tôi và có đề nghị thông cảm bỏ qua… Trước đó cũng có mấy người như ông L ở UBND TX.Buôn Hồ, ông Nh ở Bệnh viện TX.Buôn Hồ, ông H ở phòng Y tế huyện Krông Năng đã điện thoại đề nghị tôi rút đơn, không làm to chuyện. Nhưng tôi nói, tôi đã viết đơn gửi đi hết rồi và khẳng định nhóm QLTT đã làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra còn phải công khai xin lỗi vợ chồng tôi trước sự chứng kiến của người dân, chính quyền địa phương đồng thời trả lại tiền cho tôi”.

21-2_ddon
Bản tường trình của bác sĩ Y Thim Mlô.

Lạm dụng nhiệm vụ được giao và lộng hành(!?)

Theo điều tra của chúng tôi, nhóm 5 cán bộ QLTT tỉnh Đắk Lắk đến nhà riêng cũng là phòng khám của bác sĩ Y Thim Mlô để “kiểm tra” là các ông Đoàn Hữu Phúc (kiểm soát viên, phó Đội trưởng QLTT số 4), Trần Văn Khoa, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Thủy và Lâm Đức Ngọc; và hiện vụ việc đã được Bộ Công an cử cán bộ đến xác minh điều tra.

Theo thông tư số 09/2013/TT-BCT quy định về hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của QLTT ban hành ngày 2.5.2013 của Bộ Công thương, tại Khoản 1, Điều 21 quy định “Trừ trường hợp vi phạm pháp luật quả tang, mọi trường hợp kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản”. Như vậy, trong trường hợp này, quyết định kiểm tra phải do Đội trưởng Đội QLTT số 4 – tức ông Hứa Tự Hồng – ký ủy quyền cho Đội phó là Đoàn Hữu Phúc thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 3, Điều 22 cũng quy định, “Khi tiến hành kiểm tra, Tổ trưởng tổ kiểm tra phải xuất trình Thẻ kiểm tra thị trường và công bố quyết định kiểm tra với đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan của đối tượng được kiểm tra”. Như vậy, lẽ ra nhóm (tổ) kiểm tra gồm 5 cán bộ nêu trên, trong đó ông Phúc là “to” nhất (tổ trưởng), khi đến phòng khám ngoài giờ (nhà riêng) của bác sĩ Y Thim Mlô, trước hết phải công bố đọc quyết định kiểm tra, sau đó bản thân ông Phúc phải xuất trình “Thẻ kiểm tra thị trường” do Cục QLTT cấp để cho “đối tượng” bị kiểm tra là ông Y Thim Mlô biết.

Thế nhưng, thực tế, thành phần của “tổ” kiểm tra này quá “lôm côm”: Bản thân ông Đoàn Hữu Phúc – Đội phó, người đứng đầu tổ kiểm tra – hiện vẫn chưa được Cục QLTT cấp “Thẻ kiểm tra thị trường” vậy mà vẫn “dẫn đầu” nhóm, tổ đi kiểm tra QLTT là dấu hiệu “lạm quyền, lộng hành”. Chưa hết, qua điều tra được biết, ông Lâm Đức Ngọc – nhân viên hợp đồng lao động – được ông Chi cục trưởng QLTT tỉnh Đắk Lắk Giao Thanh Tùng ký hợp đồng lao động ngày 4.9.2014. Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì mà vẫn được ông Tùng “đặc ân” điều động ông Ngọc xuống Đội 4 tham gia công tác kiểm tra thị trường như là một công chức thực thụ? Vụ việc này trái với quy định của Điểm d, Khoản 2, Điều 19 Thông tư 09 là, chỉ có “công chức mới được phân công kiểm tra đối tượng vi phạm”.

Càng có vấn đề hơn nữa, là ông Nguyễn Văn Dũng (người bị bác sĩ Y Thim Mlô tố đích danh nhận tiền) cũng từng bị Chi cục QLTT xử lý kỉ luật vào năm 2013 do có liên quan đến vấn đề… nhạy cảm. Trường hợp ông Trần Văn Khoa càng tệ hại hơn khi ông này từng bị ông Tùng ký quyết định kỉ luật ngày 30.9.2014 với hình thức “khiển trách” trong thời hạn 1 năm, đến nay hiện vẫn chưa hết thời hạn xóa “án tích”… !?

Chính vì vậy, dư luận đặt câu hỏi, việc kiểm tra “ngẫu hứng” rồi “vòi tiền” của nhóm (tổ) cán bộ QLTT tại nhà riêng của ông Y Thim Mlô có phải là lần đầu tiên hay đây là kiểu “làm ăn” từ bấy lâu nay của QLTT địa phương này? Trong vụ này, ông Chi cục trưởng QLTT có chịu trách nhiệm gì không? Và không hiểu ông Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk (đơn vị chủ quản Chi cục QLTT) sẽ xử lý vụ việc này như thế nào để dân còn tin?

Khi PV Báo Lao Động & Đời sống phỏng vấn qua điện thoại về vấn đề QLTT kiểm tra liên quan đến y tế, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế – cho biết: “Theo quy định, QLTT là đơn vị có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra hoạt động liên quan đến y tế, song “vùng” hoạt động gắn với hàng giả, hàng kém chất lượng, nhãn mác… trong lĩnh vực thương mại nhiều hơn. Với lĩnh vực y tế, thì phải là đoàn thanh kiểm tra liên ngành, khi được tổ chức thì ngành y tế giữ vai trò chủ trì phối hợp cùng cơ quan chức năng khác trong đó có QLTT”.

Nguồn Laodong.com.vn