Việt Nam đang điều khiển giá cà phê thế giới

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng hơn 3% so với cuối tuần trước lên tới 45.500 đồng/kg trong ngày hôm nay 11/3 – cao nhất kể từ tháng 9/2011.

viet-nam-dang-d_1363046410

Theo các thương nhân, giá cà phê tại Việt Nam – nước chiếm 15% tổng sản lượng cà phê toàn cầu – tăng mạnh có thể đẩy giá cà phê giao dịch trên thị trường kỳ hạn lên cao.

Cuối phiên thứ Sáu tuần trước, cà phê robusta giao tháng 5 trên sàn NYSE Liffe đã tăng 1,3% và đứng tại 2.181 USD/tấn – mức cao nhất của kỳ hạn thứ hai (kỳ hạn thường được giao dịch sôi động nhất) trong vòng 5 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chính là do thời tiết khô hạn tại các tỉnh Tây Nguyên đe dọa sản lượng của vụ 2012/13.

Các thương nhân cho biết, việc giá cà phê nội địa tăng cao hôm nay là do các nhà xuất khẩu tăng mạnh gom mua cho các đơn hàng đã ký, trong khi đó bà con nông dân lại hạn chế bán ra vì kỳ vọng giá sẽ cao hơn nữa.

Lần gần đây nhất giá cà phê lên mức cao như hiện nay là giai đoạn từ ngày 17- 23/9/2011, khi ấy giá ở quanh 44.500 – 46.600 đồng/kg.

Theo một thương nhân tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), nông dân không chịu bán ra vì họ tin giá sẽ cao hơn nữa. Nguồn hàng dự trữ hiện vẫn còn cao, khoảng 40% tổng sản lượng 24 – 26 triệu bao loại 60 kg.

Còn một thương nhân khác tại Tp. Hồ Chí Minh thì cho biết, các nhà xuất khẩu đang rất khó tìm được hàng để mua cho dù giá cao hơn cả giá trên thị trường London. Hôm nay, giá cà phê của Việt Nam có mức cộng 20 – 50 USD/tấn so với giá giao tháng 5 trên sàn London, mức cộng tốt hơn cả cà phê xuất xứ từ Indonesia, nơi thường có giá cao hơn của nước ta.

Từ đầu tháng 3 tới nay, nhiều vùng chuyên canh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã chịu cảnh thiếu nước do các hồ đập khô cạn, có nơi mức nước giảm tới một nửa. Cây cà phê trong khi đó lại rất cần nước cho giai đoạn phát triển quả. Các giếng khoan dùng để tưới cho cây hầu hết phải khoan sâu thêm rất nhiều mới gặp nước. Mùa mưa tuy nhiên phải chờ đến tận tháng 5 mới bắt đầu.

Một số bà con nông dân cho biết, hạn hán năm nay đe dọa nghiêm trọng tới sản lượng, mức giảm khoảng 20 – 30% so với vụ hiện tại gần như là chắc chắn. Kèm theo đó, chi phí sản xuất đắt đỏ (xăng dầu, khoan giếng để tưới nước, chi phí phân bón, nhân công…), nếu giá cà phê không tăng nữa thì vụ tới sẽ khó mà có lãi.

Nguồn TTVN