Vì sao cây ca cao chưa cạnh tranh nổi với các cây trồng khác?

Trong một thời gian dài, cây ca cao được nhiều chương trình xây dựng các mô hình trồng và chăm sóc nhằm đưa nó trở thành một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp. Và loại cây này cũng dành được quan tâm rất đặc biệt khi có sự tham gia đầu tư mạnh của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

cacao-tinmoitruong

Đắk Lắk gặp khó trong việc phát triển cây ca cao – Ảnh minh họa

Chưa bao giờ có nhiều dự án nước ngoài đổ dồn vào Việt Nam, trong đó có Đắk Lắk để khuyến khích nông dân trồng ca cao nhiều như lúc này. Nhiều công ty thu mua ca cao như Cargill, Puratos Grand Place, Mars… đã đầu quân nhằm chiếm lĩnh thị trường. Mới đây, Chính phủ Hà Lan cũng tham gia tài trợ cho Dự án Hợp tác công – tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN (PPP), ngoài ra còn có sự hỗ trợ của một số tổ chức như Helvetas, Oxfam, JICA, AID…  Năm 2011, HĐND tỉnh cũng đã có Quyết định về phát triển cây ca cao đến năm 2015, với mục tiêu đạt 6.000 ha, trong đó có 2.000 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 15 tạ hạt khô lên men/ha, đạt sản lượng từ 2.800 – 3.000 tấn hạt khô lên men. Việc làm này đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay, Đắk Lắk mới có hơn 2.000 ha, được trồng tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, diện tích cho thu hoạch 1.469 ha, năng suất hạt khô lên men đạt 12,71 tạ/ha, sản lượng đạt 1.867 tấn. Do nguồn cung chưa đủ cầu nên đến vụ thu hoạch vẫn diễn ra tình trạng tranh mua hàng giữa các doanh nghiệp, thương lái… nhưng vẫn khó “hút” được nông dân đến với cây ca cao.

Lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, cây ca cao ở Đắk Lắk đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng lâu năm khác, ngoài các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu thì cây ca cao còn phải cạnh tranh với các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng… Chỉ với một vụ, 1 ha sầu riêng cho nông dân thu nhập khoảng 200 triệu đồng, 1 ha bơ trồng xen cà phê mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng, nhưng quy trình chăm sóc, mức đầu tư không nhiều và phức tạp như cây ca cao… Trong khi cây ca cao, một vườn đạt năng suất bình quân trên 1,2 tấn/ha, với mức giá hiện tại 60.000 đồng/kg thì thu nhập chưa đạt 100 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Với những hạn chế như vậy thì rõ ràng nông dân sẽ ưu tiên lựa chọn những cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện UTZ Certified Việt Nam, để tránh sự cạnh tranh với cây trồng khác, nên chăng không ưu tiên phát triển ca cao tại các vùng đã có cây trồng có giá trị cao hơn như hồ tiêu, cà phê…, mà cần có kế hoạch ưu tiên tại các vùng phát triển mới, quan tâm nhiều hơn đến hoạt động chế biến và xác định lại cách tiếp cận, định hướng phát triển ca cao cho phù hợp.

Nguồn Baodaklak.vn