Bước vào tuần giao dịch đầu tiên của quý IV/2011, “bức tranh” kết quả kinh doanh (KQKD) của doanh nghiệp (DN) dần được phác thảo với nhiều gam màu khác nhau.
Doanh nghiệp cao su sớm “cán đích” lợi nhuận.
Trong đó, điểm sáng nhất của “bức tranh” này chính là việc cán đích lợi nhuận của nhóm ngành cao su tự nhiên (CSTN). Tuy nhiên, điều này có giúp cổ phiếu nhóm này có sự bứt phá và nhà đầu tư (NĐT) nên cơ cấu danh mục ra sao?
StockNews đã phỏng vấn ông Phạm Đăng Mạnh Hồng Lân, chuyên viên Khối nghiên cứu CTCK Thăng Long về vấn đề này.
Thưa ông, KQKD quý III/2011 của nhóm CSTN vừa được công bố rất ấn tượng. Vậy đâu là nguyên nhân giúp nhóm ngành này có sự bức phá mạnh so với các nhóm khác?
Ông Phạm Đăng Mạnh Hồng Lân: Đến thời điểm hiện tại, 5 công ty thuộc nhóm CSTN niêm yết đều đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 với kết quả rất ấn tượng. Tính trung bình, doanh thu so với cùng kỳ tăng trưởng 60%, đạt 95% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng trưởng 91%, đạt 117% kế hoạch năm.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này:
Thứ nhất: Giá cao su tăng mạnh thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Giá cao su SVR 3L xuất khẩu của Việt Nam bình quân 9 tháng/2011 đạt 4.990 USD/tấn, tăng 57% so với 9 tháng/2010; Trong khi đó, tỷ giá VND/USD bình quân 9 tháng đạt mức 20.619, tăng 8,55% so với cùng kỳ. Trên cơ sở đó, giá bán bình quân 9 tháng/2011 của các công ty cao su tăng xấp xỉ 68%.
Thứ hai: Sản lượng tiêu thụ tăng so với cùng kỳ.
Thứ ba: Lợi nhuận cao đến từ thanh lý diện tích vườn cao su già và giá bán gỗ tăng tỷ lệ thuận với giá cao su.
Thứ tư: Lãi tiền gửi ngân hàng tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm 2011, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao với cùng kỳ năm ngoái. Với chính sách bán hàng thu tiền nhanh nên có lượng tiền mặt lớn và thường gửi trong các ngân hàng: Chẳng hạn như: DPR có 850 tỷ, PHR có 673 tỷ hay TRC có 640 tỷ. Đây là lượng tiền các công ty sẽ sử dụng để tài trợ cho các dự án đầu tư mở rộng vườn cao su nhưng hiện tại chưa cần phải giải ngân.
Thứ năm: Lãi do chênh lệch tỷ giá. Trong khi một số ngành bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế khó khăn như: tiêu thụ giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng mạnh thì nhóm ngành cao su không bị ảnh hưởng, do nhu cầu tiêu thụ cao su cho sàn xuất lốp xe trên thế giới khá ổn định và tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc.
Sau KQKD của các công ty cao su được công bố, tình hình giao dịch của nhóm cổ phiếu này ra sao, thưa ông?
Một phần do tình hình TTCK không thuận lợi, phần do cơ cấu cổ đông sở hữu của các DN cao su chủ yếu là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và một số quỹ đầu tư lớn nắm giữ nên làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu nhóm này với một số NĐT khác. Khối lượng giao dịch khá thấp so với trung bình thị trường. Và giá cổ phiếu diễn biến không cùng chiều với KQKD của các công ty này. Hầu hết giá cổ phiếu nhóm này đều giảm so với đầu năm. Và theo chúng tôi quan sát những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt nhất tuy nhiên thanh khoản thấp nhất là: DPR, TRC và giá cổ phiếu giảm mạnh nhất. Mức giảm cao nhất thuộc về TRC, giá cổ phiếu giảm 44%, trong khi HRC có mức giảm thấp nhất là 6%. So với đầu năm VN-Index chỉ giảm 16%. Các cổ phiếu trừ HRC đều đang ở mức P/B hấp dẫn, xấp xỉ 1 và nếu cứ giữ mức giá này thì với giá trị sổ sách tăng lên vào cuối năm 2011 và trong năm 2012, P/B sẽ giảm dưới 1 khá phù hợp để đầu tư.
Đã bước vào quý cuối cùng của năm, theo ông, thời điểm này NĐT nên cơ cấu danh mục ra sao và quan tâm đến nhóm ngành nào? Cao su có là ngành họ nên lựa chọn?
Theo tôi, việc lựa chọn danh mục đầu tư, nhóm ngành phù hợp phụ thuộc nhiều vào đặc điểm, sở thích và mục tiêu của từng NĐT. Nếu trên quan điểm đầu tư thận trọng và dài hạn, NĐT nên lưu ý tới các nhóm ngành liên quan đến nông nghiệp, dược và thực phẩm. Dân số thế giới vừa đạt mức 7 tỷ người, nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng mạnh; thiên tai và một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan có thể sẽ đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao, qua đó là thúc đẩy nhu cầu và giá phân bón, thuốc trừ sâu,… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm và các ngành liên quan tới nông nghiệp vì thế có điều kiện nâng cao kết quả kinh doanh. Sau đó có ngành dược cũng sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt…
Riêng về ngành cao su, theo chúng tôi, năm 2012 giá cao su sẽ duy trì tại mức xấp xỉ 4.000 USD/tấn. Nhu cầu CSTN vẫn duy trì ổn định dù có thể tăng trưởng chậm. Doanh thu và lợi nhuận từ năm 2012 có thể giảm so với 2011 nhưng lượng tiền mặt nắm giữ cũng như giá trị sổ sách vẫn sẽ tăng mạnh. Mức P/B thấp hơn 1 khi ấy rất thích hợp cho việc nắm giữ.
Phuong Uyen