Sâu bệnh, mất mùa, trộm cắp, rớt giá… làm người trồng cà phê lao đao trước mảnh vườn của mình
Khoảng trung tuần tháng 10 là thời điểm các tỉnh Tây Nguyên chính thức bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2011-2012. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá cà phê nhân tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng liên tục giảm.
Người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn ngán ngẩm “kịch bản” đến mùa thu hoạch lại mất giá.
Giá thấp cũng phải bán
Vẫn như mọi năm, mùa thu hoạch năm nay, người trồng cà phê Tây Nguyên cũng thở dài ngao ngán. Ngày 15-10, giá cà phê tại các tỉnh này dao động từ 43.600 đồng đến 43.700 đồng/kg. Hiện nay, giá chỉ còn 40.400 đồng đến 40.500 đồng/kg, giảm hơn 3.000 đồng/kg.
Theo lý giải của những đại lý thu mua, giá cà phê giảm mạnh vào thời gian nông dân thu hoạch là do nguồn cung dồi dào. Như mọi năm, niên vụ này rất có thể cũng sẽ diễn lại kịch b ản: Sau khi nông dân đã bán hết cà phê trong kho thì giá mới bắt đầu tăng trở lại, thậm chí tăng mạnh.
Câu hỏi đặt ra là tại sao nông dân không chờ đến khi nào cà phê được giá thì bán? Anh Trần Thanh Ngọc (xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) giải thích: Nhà anh có 2 ha cà phê, với 4 miệng ăn, 2 con nhỏ đang đi học, tất cả mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào rẫy cà phê này. Tiền nợ đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đã cam kết ngay khi thu hoạch xong phải trả; vay ngân hàng đến hạn phải thanh toán; thuê nhân công thì “tiền tươi thóc thật”… phải cấp tập giải quyết nên không thể chần chừ, phải bán cà phê gấp.
Giảm năng suất trầm trọng
Đầu niên vụ cà phê năm nay, nông dân rất phấn khởi khi thời tiết khá thuận lợi, mưa nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm còn khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch thì cà phê bị rụng trái hàng loạt. Theo kinh nghiệm của nông dân, nguyên do năm nay, mưa quá nhiều, gây úng rễ.
Còn theo giải thích của cơ quan bảo vệ thực vật, nguyên nhân của tình trạng trên là do độ ẩm thay đổi đột ngột, tạo môi trường thuận lợi cho rầy, rệp, sáp chích hút hoặc nấm Collectotrichum coffeanum gây thối cuống phát triển. Bên cạnh đó là bệnh sinh lý làm mất cân đối dinh dưỡng…
Ông Vũ Ngọc Vĩnh (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) có 1 ha cà phê 7 năm tuổi, chuẩn bị thu hoạch. Ông lo lắng: “Rẫy nhà tôi có hơn 30% diện tích bị rụng trái. Trong số này có đến phân nửa bị rụng đến hơn 90% (mỗi cây trong vườn nhà ông Vĩnh cho từ 12 – 15 kg trái tươi). Số còn lại bị ảnh hưởng ít hơn nhưng cũng bị rụng mất khoảng từ 3 – 5 kg trái/cây”.
Đó là chưa kể giữa niên vụ cà phê năm nay, một số địa phương ở tỉnh Gia Lai như huyện Đắk Đoa, Ia Grai… còn xuất hiện nạn ve sầu hoành hành đã khiến nhiều vườn cây giảm năng suất. Nhiều người trồng cà phê cho biết thời gian để cây hồi phục là rất lâu, nếu bị ảnh hưởng nặng thì khó khôi phục vườn nên nhiều nông dân đã manh nha phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu.
Không như dự đoán,vụ này cà phê mất mùa do mưa nhiều.
Trộm cắp hoành hành
Nhiều người trồng cà phê năm nay phải “tán gia, bại sản” vì nạn trộm cắp lộng hành. Bọn trộm cắp không chỉ lấy trộm cà phê đang phơi ngoài sân mà còn khuân cả cà phê người dân đã đóng bao trong kho. Nhiều vườn bị bọn trộm tuốt cành, thậm chí chặt cành hoặc chặt cả cây đem đi nơi khác hái trái. Nếu kẻ gian chỉ tuốt trái thì sau này cành ấy còn nuôi lên được, cắt cành vẫn còn chút hy vọng tái tạo dù lâu, còn nếu cắt cả cây thì chỉ có cách phải trồng lại cây khác.
(tổng hợp)