Vấn nạn xe công nông “3 không” ở Đắk Lắk

Mỗi năm, có hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe công nông, trong đó chủ yếu xe công nông 3 không.

20-0634

Dễ dàng bắt gặp loại phương tiện này trên đường

Mỗi năm, có hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe công nông, trong đó chủ yếu là xe công nông 3 không: Không đăng ký cấp biển số, không kiểm định an toàn và người điều khiển không bằng lái theo quy định.

Biết sai nhưng… vẫn chạy

Anh Lê Văn Việt (30 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Krông Pắk) cho biết, ở đây, nhà nông ai cũng có ít nhất từ một đến vài ha trồng cà phê, hồ tiêu. Xe công nông là phương tiện chính phục vụ vận chuyển của bà con. “Chúng tôi biết chở người và nông sản cồng kềnh là vi phạm nhưng nhà nông vận chuyển vật tư, nông cụ ra rẫy, ra đồng và nông sản thu về dùng xe công nông là phương tiện thích hợp”, anh Việt nói.

Anh Việt thừa nhận, anh chưa có GPLX hạng A4, điều kiện bắt buộc để điều khiển xe công nông vì cho rằng xe mình chỉ lái chạy trên đường liên thôn, xã để vào rẫy nên không cần phải học. “Tất cả người dân ở đây, rất ít người học thi GPLX. Cứ ai biết chạy thì làm tài xế chở mọi người đi làm thôi”, anh Việt cho hay.

Đi dọc các tuyến QL14, 26, 27 và nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, PV Báo Giao thông dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe công nông chở đầy người, hàng hóa và nông sản chất cao ngút, phóng bạt mạng.

Theo Trung tá Ngô Văn Cường, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk, tình trạng xe công nông không gắn BKS, người điều khiển phương tiện không đủ tuổi, không có GPLX vẫn tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. “Từ tháng 11/2014 – 8/2015, trên địa bàn xảy ra 25 vụ tai nạn và va chạm liên quan đến xe công nông, làm chết 16 người, bị thương 17 người. So với cùng kỳ, số vụ tai nạn có người chết giảm nhưng số vụ va chạm và bị thương tăng cao, rất đáng lo ngại”, Trung tá Cường cho hay.

Quản lý chặt phương tiện, tăng tuyên truyền đến người dân

Báo cáo từ Ban ATGT tỉnh cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra liên quan đến loại phương tiện này. Đơn cử, khoảng 15h30 ngày 14/7, tại Km 634+500 trên QL14 qua địa bàn thôn 5, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, đã xảy ra vụ TNGT giữa xe công nông không BKS do Y Liên ADrơng (14 tuổi) điều khiểu theo hướng TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) đi TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và xe máy BKS 47P6-7706 do anh Trần Quý (35 tuổi) điều khiển đi ngược chiều. Hậu quả, anh Quý tử vong tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu xác định do xe công nông chạy nhanh, chuyển hướng không đảm bảo ATGT.

Cũng trong tháng 7, tại Km 112+100 trên QL26 thuộc xã Hòa An, huyện Krông Pắk, xe công nông BKS 47MK-048.74 do anh Nguyễn Đình Hướng (27 tuổi) điều khiển chở theo bốn người, bất ngờ lật nghiêng rồi va chạm với xe môtô BKS 47AB-562.43 do Trần Văn Huy (17 tuổi) điều khiển. Hậu quả, Huy, Hướng và bốn người đi trên xe công nông bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.

Trung tá Ngô Văn Cường cho biết, trước tình hình TNGT liên quan đến xe công nông tăng cao thời gian vừa qua, Phòng CSGT đã tham mưu cho UBND tỉnh có các biện pháp tăng cường quản lý đối với loại phương tiện này. Ngoài ra, Phòng CSGT đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến người dân, bắt buộc người điều khiển phương tiện phải có GPLX.

“Dù đây là phương tiện sử dụng thường ngày cho hoạt động sản xuất của người dân, vấn đề xử lý, xử phạt còn gặp khó khăn. Đặc biệt, người sử dụng phương tiện ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số nên vấn đề xử lý rất nhạy cảm. Tuy nhiên, vẫn phải tăng cường tuyên truyền, xử lý để loại phương tiện này không tham gia giao thông, ngăn chặn được các vụ TNGT đáng tiếc xảy ra”, Trung tá Cường nói.

Theo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, tính đến tháng 6/2015, trên địa bàn có khoảng 78.808 chiếc xe công nông đang hoạt động có đăng ký. Ngoài ra, còn rất nhiều xe không đăng ký hoạt động ở vùng nông thôn.

Nguồn Baogiaothong.vn