Trồng gừng liên kết – Nông dân nếm vị “cay”

Trồng gừng xuất khẩu được xem là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả với nông dân hiện nay, nhất là với phương pháp trồng gừng trong bao.

Nắm bắt được nhu cầu đó, thời gian qua một số doanh nghiệp đã tổ chức liên kết, phối hợp cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm gừng cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế lại nảy sinh những bất cập, gây thiệt hại cho người nông dân.

Kỳ 1: “Bong bóng” lợi nhuận gừng xuất khẩu

Từ đầu năm đến nay, Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam (XKNSS) đã liên kết với nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để trồng gừng trong bao, bằng hình thức đầu tư giống, thuốc trừ sâu, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Khi bắt đầu ký kết hợp đồng, những người nông dân đã rất hy vọng ở sự hợp tác này. Tuy nhiên, mọi việc lại đang đi ngược lại với sự kỳ vọng đó.

Từ những điều khoản hợp đồng hấp dẫn…

Theo quảng cáo trên Internet, Công ty XKNSS (có địa chỉ tại 27 Phan Đăng Lưu, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một đơn vị chuyên cung cấp giống gừng trâu, chuối tiêu Nam Mỹ, chuyển giao kỹ thuật theo mô hình trồng nông sản sạch xuất khẩu và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Công ty thường tổ chức các buổi giới thiệu dự án trồng gừng sạch xuất khẩu đến với nông dân; cung cấp hợp đồng xuất khẩu gừng đi nước ngoài và bản dự toán chi phí trồng gừng rất hiệu quả. Cụ thể cứ 10.000 bao gừng trồng trên diện tích đất khoảng 2.200 m2 với chi phí đầu tư 290 triệu đồng, sau 9 tháng sẽ cho năng suất 3kg/bao gừng, với giá thị trường 18.000 ngàn đồng/kg sẽ mang về lợi nhuận 250 triệu đồng.

dak-lak-trong-gung-lien-ket-nong-dan-nem-vi-cay

Anh Đèo Minh Vũ (thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) bên vườn gừng đang chết dần chết mòn.

Từ tháng 4-2017, Công ty này đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu gừng trồng trong bao với hàng chục hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ, các huyện Cư M’gar, Krông Ana… Trong bản hợp đồng nêu rõ: Công ty hỗ trợ cho người trồng 50% các loại tiền đầu tư như: giống, phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, còn người dân chỉ phải thanh toán 50% số tiền còn lại theo quá trình mà công ty cung ứng vật tư; bao tiêu toàn bộ sản lượng gừng sau khi thu hoạch với giá 18.000 đồng/kg; gừng sẽ đạt năng suất 2,5kg/bao.

Đặc biệt, trong hợp đồng đã được công chứng có điều khoản E với nội dung: “Khi gặp sự cố thiệt hại về gừng trong 5 tháng đầu mà gừng bị bệnh chết thì bên công ty sẽ cung cấp thêm giống, phân, thuốc cho bên nông dân trồng lại và bên nông dân sẽ không phải bỏ thêm khoản chi phí nào” cùng điều F: “Trong trường hợp gặp rủi ro thiên tai hoặc các sự cố bất khả kháng, diện tích gừng bị mất hết thì mỗi bên sẽ chịu thiệt hại một nửa phần đầu tư của mình”, khiến những hộ nông dân hoàn toàn tin tưởng và ký hợp đồng.

Đến những vườn gừng lay lắt

Tuy nhiên, thực tế không như những gì người trồng gừng mong đợi, Công ty XKNSS đã không thực hiện đúng như những cam kết trong hợp đồng. Anh Đặng Kim Cương (hẻm 4, đường Mai Xuân Thưởng, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, anh liên kết trồng 20.000 bao gừng trâu với Công ty XKNSS bằng hợp đồng trị giá khoảng 500 triệu đồng và đã chuyển cho họ 118 triệu đồng. Chưa kể, anh phải tự bỏ vốn để thuê công làm đất, bỏ giống vào bao, mua trấu, vôi… với chi phí hơn 100 triệu đồng. Sau khi hợp đồng được ký vào tháng 4-2017, bên công ty đã cung cấp giống gừng, phân bón, thuốc trừ sâu và cử nhân viên kỹ thuật hướng dẫn như đã thỏa thuận, anh đã trồng và chăm sóc theo đúng hướng dẫn. Trong khoảng 2 tháng đầu giống gừng phát triển tốt, tuy nhiên bắt đầu sang tháng thứ 3 toàn bộ diện tích gừng có dấu hiệu vàng lá, rũ ngọn, thối gốc và chết hàng loạt. Anh Cương báo lên Công ty XKNSS, phía công ty cũng cho kỹ sư xuống ghi nhận tình hình, lập biên bản và hứa sẽ khắc phục. Thế nhưng đến nay đã 3 tháng trôi qua mà vườn gừng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Hiện cả vườn gừng 4 sào còn sót lại một vài cụm gừng quặt quẹo.

dak-lak-trong-gung-lien-ket-nong-dan-nem-vi-cay

Nhiều vườn gừng trồng liên kết đang sống lay lắt.

Còn ông Cao Văn Được (khối 2, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) khẳng định, dù Công ty XKNSS cam kết thực hiện theo quy trình với những khoảng thời gian vào giống, vào thuốc sinh học… đã được định sẵn, nhưng họ thường xuyên cung ứng vật tư trễ, ít, và thậm chí là không có, khiến các công đoạn bị lệch đi với dự kiến. Hay như anh Nguyễn Văn Thủy trồng 10.000 bao gừng tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Hợp đồng ký vào tháng 4, nhưng sau đó anh chỉ nhận được phân bón và 6.000 bao. Thời vụ trồng gừng là tháng 5, đất đã được trộn chất dinh dưỡng và vào bao, nhưng đến tháng 10 công ty vẫn chưa cung ứng 4.000 bao gừng còn lại…

Bên cạnh đó, một số hộ phản ánh cây giống kém chất lượng, nhiều cây củ cái đã thối, rất hôi, giống gừng đã có vấn đề nhưng đại diện công ty vẫn cung ứng cho nông dân đem về trồng. Đến nay, vườn gừng của ông Được, anh Thủy và nhiều nông hộ khác liên kết trồng gừng với Công ty XKNSS cũng bị tình trạng vàng lá rồi chết như nhà anh Cương.

Kỳ 2: Nông dân có nguy cơ trắng tay?