Trị ma men, kéo giảm tai nạn giao thông

Từ đầu năm đến nay, nhờ siết chặt công tác TTKS, trong đó xử lý hiệu quả vi phạm nồng độ cồn, Đắk Lắk đã kéo giảm cả ba tiêu chí TNGT.

1471243894-9014-1471229684-6692-1-170494

Một người đàn ông điều khiển phương tiện nồng nặc mùi rượu, không chấp hành hiệu lệnh đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT (Chụp trên đường Phan Chu Trinh, Đắk Lắk)

Để “ma men” tâm phục khẩu phục

Đúng 19h, 20 cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT (PC67) và lực lượng cơ động (PC65), Công an tỉnh Đắk Lắk bắt đầu ca TTKS, truy quét “ ma men ”. Trên đường Hà Huy Tập, Tổ công tác phát hiện xe máy BKS 47N3-7668 do Lê Phương Đông (SN 1989, ngụ huyện M’drắk) điều khiển và xe máy BKS 47C1-173.40 do Huỳnh Đức Trọng (SN 1993, ngụ TX Buôn Hồ) điều khiển, chở theo hai thanh niên khác phía sau có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, anh Đông có nồng độ cồn 0,655 miligam/lít khí thở; Trọng có nồng độ cồn 0,395 miligam/lít khí thở. Tổ công tác mời hai người về vị trí xử lý để lập biên bản vi phạm, nhưng cả liên tục cự cãi CSGT.

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 327 vụ TNGT làm 172 người chết, 314 người bị thương; So với cùng kỳ năm 2015, số vụ TNGT giảm 17 vụ, giảm 13 người chết, giảm 10 người bị thương.

“Tôi và nó (Trọng) uống 4 ly giống nhau, 3 ly chào bàn và 1 ly chia tay ra về, tại sao có nồng độ khác nhau. Sao tôi bị phạt 2,5 triệu đồng, sao nó có 750.000 đồng? Tôi đi bốc vác về, uống có vài ly, chứ có say đâu”, anh Đông mặt đỏ gay lớn giọng. Tổ công tác phải giải thích, đưa ra kết quả đo nồng độ cồn, tuyên truyền tác hại của việc uống rượu, bia quá mức khi tham gia giao thông nguy hiểm như thế nào tới bản thân và người tham gia giao thông, anh Trọng và anh Đông mới tâm phục khẩu phục, chịu ký vào biên bản xử phạt.

Sau gần 1 giờ đồng hồ theo chân tổ công tác, có 30 trường hợp bị dừng kiểm tra và hơn 10 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn bị lập biên bản. Đại diện PC67 Công an tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Xử lý các đối tượng say xỉn, vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khá khó khăn, bởi lúc đó người vi phạm có phần không tỉnh táo, dễ nóng nảy. CSGT thường phải giải thích, phân tích để người vi phạm hiểu, tuy nhiên cũng có trường hợp người vi phạm quá say, buộc chúng tôi phải đưa phương tiện về lập biên bản với sự chứng kiến của người làm chứng”.

Quyết không nhẹ tay với “ma men”!

Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Phó trưởng Phòng PC67 Đắk Lắk cho biết, Phòng CSGT luôn túc trực đầy đủ quân số vào các khung giờ từ 19h – 23h để TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến đường như: Quốc lộ, tỉnh lộ, nội thị, thị trấn, đường liên huyện, liên xã… Đặc biệt, tập trung vào những tuyến đường gần quán nhậu, nhà hàng và những địa bàn “nóng” về tình trạng thanh, thiếu niên uống rượu, bia gây mất ATGT.

Theo Trung tá Vịnh, ngoài công tác TTKS, xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn, lực lượng PC67 đã phối hợp với Đội CSGT của 15 huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, dán pano, tổ chức các buổi tọa đàm về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cho người dân vùng sâu, vùng xa. Tính đến tháng 7/2016, Phòng CSGT đã tổ chức hơn 18 buổi tọa đàm ở 99 địa bàn thôn, buôn, thu hút hơn 7.710 lượt người tham gia. Đặc biệt, lực lượng CSGT đã mang luật về tận buôn biên giới Drang Phốc (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), tổ chức quay phim và trình chiếu cảnh người dân đi lại vi phạm luật giao thông. Những dẫn chứng cụ thể, thực tế này giúp người dân dễ hiểu và đạt hiệu quả tuyên truyền cao.

Nguồn Atgt.vn