Những ngày này, đi dọc các tuyến đường về các huyện mới cảm nhận được không khí rộn ràng của mùa thu hoạch chính vụ của các loại trái cây miền nhiệt đới như chôm chôm, sầu riêng, bơ, mãng cầu… Các thương lái đã tận dụng một diện tích nhỏ bên lề đường hay sân nhà, lều tạm bợ để làm địa điểm tập kết.
Loại trái cây đầu tiên được người tiêu dùng biết đến là bơ với đủ chủng loại, hình dáng khác nhau, nhưng giống bơ được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất vẫn là bơ sáp. Ông Phan Văn Hùng, một người trồng bơ tại xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) có 10 cây bơ sáp xen canh trong vườn cà phê phấn khởi cho biết, với địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên cây bơ phát triển tốt, không cần tốn công bón phân, chăm sóc nhưng mỗi năm gia đình vẫn thu về trên 1 triệu đồng/cây. Riêng năm nay, bơ được mùa lại được giá, vườn bơ ước thu về hơn 30 triệu đồng, tăng 10 triệu so với vụ bơ 2014. Bơ là loại trái cây đáp ứng được nhu cầu sạch, an toàn, bổ dưỡng và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nên gia đình ông sẽ trồng thêm hàng bơ quanh vườn để vừa chắn gió lại có thu nhập.
Không như cây bơ, sầu riêng năm nay tuy mất mùa nhưng lại được giá nên thu nhập của người dân vẫn được bảo đảm. Ông Trần Hồng Hợp, xã Krông Búk (Krông Pắc) chia sẻ, năm nay trời nắng hạn so với những năm trước nên tỷ lệ đậu trái thấp, quả nhỏ, sản lượng sầu riêng của gia đình ước giảm khoảng 30 % so với năm 2014 nhưng giá bán lại tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg (lên 20.000 – 50.000 đồng/kg), riêng sầu riêng đầu vụ đạt 60.000 – 70.000 đồng/kg nên gia đình ước thu về 70 triệu đồng từ sầu riêng… Được biết, thị trường sầu riêng năm nay có xu hướng chuộng loại sầu riêng thường hơn cơm vàng hạt lép, bởi sầu riêng thường tuy quả nhỏ, hạt nhiều nhưng ít bị sượng múi, giữ được hương vị thơm, ngọt thanh đặc trưng vốn có của nó. Đặc biệt trọng lượng chỉ dao động từ 1 – 2kg/quả, giá lại mềm hơn nên phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình.
Một vựa thu mua trái cây tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.
Bà Nguyễn Thị Hồng, một tiểu thương kinh doanh trái cây tại huyện Krông Pắc cho biết, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên hoa quả của địa phương thường được để chín tự nhiên, giữ được vị thơm ngon, đặc trưng vốn có của loài trái cây chín vườn nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, khâu tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Để có đủ hàng cung cấp cho các đầu mối, bà phải tới tận các thôn, buôn để đặt hàng với nhà vườn rồi thuê nhân công địa phương thu hái, gom hàng, phân loại, đóng gói đưa về…
Trái cây nhiều, đa dạng, tuy nhiên để mua được đúng sản vật địa phương vừa mới hái cần phải có sự hiểu biết nhất định. Chị Phan Thị Thùy Nhung, đường Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột) bật mí, bên cạnh bơ, sầu riêng thì mùa này Đắk Lắk còn có chôm chôm, ổi, dâu da, na, mít…, nhưng để mua được trái cây giá gốc, tươi ngon vừa mới hái thì người tiêu dùng có thể tìm đến các góc chợ xép hay các con hẻm trong phố… Riêng sầu riêng rất khó chọn do cùi dày, muốn lựa được quả ngon ngoài việc ngửi mùi vị từ quả thì người mua có thể dựa vào gai, quả chín cây thường nhọn đầu gai.
Dù có nguồn gốc, xuất xứ gắn liền với thương hiệu của các vùng miền khác nhưng các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, chôm chôm, dưa hấu, vải… khi được trồng tại Đắk Lắk lại có hương vị riêng, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.