Giá hàng hóa tuần này hầu hết tăng, với giá dầu, vàng và đồng kết thúc tuần tăng mạnh nhất trong nhiều tháng.Tuần qua, thị trường hàng hóa nhận được thông tin tích cực từ châu Âu và Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thống nhất cắt giảm 50% nợ của Hy Lạp và tăng quỹ giải cứu khu vực lên 1 nghìn tỷ euro. Ngoài ra, GDP quý III của Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong 1 năm cũng khiến nhà đầu tư tăng niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu, từ đó sẽ phục hồi nhu cầu hàng hóa.
Chỉ số Standard & Poor’s GSCI theo dõi giá của 24 hàng hóa nguyên liệu đã tăng 3,5%, chốt tuần tại 652,55 điểm.
Dầu: Dầu thô giao tháng 12 trên sàn Nymex New York tăng 6,8% trong tuần này, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 2, kết thúc tuần này tại 93,32 USD/thùng.
Dầu Brent giao cùng kì hạn trên sàn ICE London tăng 0,3% trong tuần, kết thúc tuần tại 109,91 USD/thùng.
Dầu là mặt hàng biến động khá nhiều trong tuần qua khi giá liên tục có những bước tăng/giảm lớn theo phiên hàng ngày. Các phiên đầu tuần, ước tính sơ bộ từ nhiều nguồn tin cho hay lượng dầu tại Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng dầu thô WTI cho các giao dịch trên sàn New York trong tuần trước đó đã sụt giảm và một số chỉ số kinh tế khả quan của Trung Quốc và Nhật Bản đã kéo giá dầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo chính thức của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết nguồn cung dầu tại đây đã tăng vượt dự báo đẩy giá dầu đi xuống.
Phiên hôm thứ 5 cũng là phiên tăng mạnh của giá hàng hóa này sau khi nhận được thông tin từ cuộc họp thượng đỉnh EU. Dầu thô tăng 4,2% trong phiên, trong khi dầu Brent tăng gần 3%.
Đồng: Giá đồng ghi nhận tuần tăng kỉ lục 32 năm với mức tăng 11,2% đối với đồng giao tháng 12 trên sàn Comex New York và 14,4% đối với giá đồng chuẩn giao 3 tháng trên sàn LME London. Kết thúc tuần, giá đồng trên 2 sàn lần lượt là 3,76 USD/pound và 8.175 USD/tấn.
Kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, việc nhất trí giải quyết nợ công khu vực Eurozone và tăng trưởng kinh tế Mỹ là những yếu tố vĩ mô thúc đẩy giá đồng trong tuần. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng khác đẩy giá đồng tăng mạnh là kho dự trữ tại các kho ngoại quan của sàn LME hiện đang ở mức rất thấp trong khi Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về kim loại này để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt.
Vàng: Vàng tuần này được coi là tài sản sinh lời tốt khi tăng cả 5 phiên trong tuần và cũng là tuần tăng mạnh nhất 3 năm. Với 1 phiên tăng cuối tuần trước, giá vàng hiện đang ở chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp.
Kết thúc tuần, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York tăng 6,8% – tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2009, đóng cửa tại 1.747,2 USD/oz.
Giá vàng liên tục đi lên kể cả khi nhận được thông tin không tốt và tốt từ nền kinh tế.
Cà phê: Giá cà phê robusta giao tháng 1/2012 tại London tuần này giảm 0,4%, đứng tại 1.899 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 12 tại New York giảm 4%, kết thúc tuần tại 235,15 USD/pound.
Việt Nam và Brazil – 2 nước đứng đầu về sản xuất cà phê sắp bước vào vụ thu hoạch được dự báo là bội thu nên giá có xu hướng đi xuống trong nhiều tuần nay.
Mặc dù vậy, đà giảm của giá bị hạn chế khi thông tin về lũ lụt tại Trung Mỹ cũng là nơi trồng nhiều cà phê, đặc biệt là arabica gây khó khăn cho việc thu hoạch và vận chuyển.
Cao su: Giá cao su giao tháng 3/2012 trên sàn Tocom Nhật Bản tuần này tăng 9,2%, chốt tuần tại 308,4 yên/kg. Giá giao tháng 1/2012 trên sàn SHEF Thượng Hải tăng 12,5%, lên 27.815 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su tuần này biến động chủ yếu theo giá dầu thế giới. Yếu tố tác động tiêu cực đến giá là lũ lụt tại Thái Lan đang làm trì trệ ngành sản xuất ô tô tại đây khiến giới đầu tư e ngại nhu cầu về cao su sản xuất lốp xe là không cao.