Rất hiếm khi thị trường cà phê thế giới liên tiếp có những phiên giao dịch mà giá cà phê chao đảo quay cuồng với biên độ cực lớn như trong tuần này.
Thị trường cà phê thế giới đang bị chi phối mạnh mẽ bởi thông tin dự báo của hãng Reuters cho rằng cây cà phê robusta của Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch với sản lượng sẽ đạt 21 triệu bao, tăng 13,5% so với vụ 2010/2011.
Trong khi ngân hàng Rabobank nhận định, Việt Nam sẽ thu hoạch vụ mùa cà phê kỷ lục lên tới 22 triệu bao kể từ tháng 10. Thậm chí, nhiều thương gia nước ngoài còn dự báo là sản lượng cà phê vụ mới có thể sẽ lên tới 24 triệu bao.
Dow Jones còn cho biết, những nhà xuất khẩu của Việt Nam lo ngại giá sẽ bị nhấn chìm khi vào thu hoạch rộ nên đã ký bán được một khối lượng đáng kể, khoảng 40.000 tấn hàng vụ mới, bằng một nửa so với đầu vụ của năm trước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2011/2012 sẽ tăng 5,4% lên 3,29 triệu tấn. Trong đó, sản lượng của các nước sản xuất chính đều tăng cao.
Đầu tuần, giá cà phê giảm mạnh trên cả 2 thị trường. Giá cà phê robusta tại London kỳ hạn tháng 11 giảm 50 USD, chiếm 2,59%, xuống còn 1.929 USD/tấn ; kỳ hạn tháng 1 giảm 51 USD, chiếm 2.6 %, xuống 1.962 USD/tấn. Giá arabica tại New York kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 4,2 cent tương đương 1,87% xuống 224,7 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô trong nước tại các tỉnh Tây nguyên về đứng ở mức 43.200-43.300 đồng/kg.
Cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ, giá 2.030 USD/tấn, FOB-HCM, với mức cộng 100 USD so với kỳ hạn tháng11 tại London.
Trái với những thông tin từ bên ngoài, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) vẫn giữ dự báo sản lượng niên vụ 2011/2012 ở mức 1,1 triệu tấn, tức 18,33 triệu bao, không thay đổi so với vụ trước. Hiệp hội còn đưa ra khả năng sản lượng có thể chỉ đạt 18 triệu bao, thấp hơn 0,5 triệu bao so với vụ trước và kém 5% so với dự báo ban đầu. Vì thời tiết ở các vùng trồng cà phê chủ chốt hiện nay rất xấu sẽ làm cho thu hoạch khó khăn và chậm lại.
Vụ thu hoạch cà phê mới của Việt Nam bị chậm có thể làm tăng áp lực lên nguồn cung robusta của thế giới khiến cho giá cà phê London hiện nay không thể ổn định, trong khi các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường.
Giữa tuần, giá cà phê robusta có những phiên tăng giảm đan xen quay vòng. Đặc biệt có phiên giao dịch với biên độ cực lớn làm thị trường London chao đảo, quay cuồng. Ghi nhận được ở phiên ngày thứ Ba 4/10, biên độ dao động trong phiên đạt 184 USD, là phiên hiếm thấy.
Vào phiên ngày thứ Năm 6/10, giá cà phê robusta London lên cao nhất tuần, đạt mức 2.025 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 11 và mức 2.051 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 1.
Giá cà phê arabica tại thị trường New York có 3 phiên tăng trưởng liên tiếp, tổng cộng tăng 11,1 cent, chiếm 4,94 %, lên mức 235,8 cent cho kỳ hạn tháng 12.
Giá cà phê robusta nhân xô tại Tây Nguyên cũng lên mức 44.500-44.600 đồng/kg, mức cao nhất trong vòng nửa tháng qua.
Thông tin mưa bão xảy ra liên tục tại Việt Nam và thời tiết xấu ở Brazil làm chậm nguồn cung ra thị trường khiến các nhà rang xay lo lắng. Nông dân ở Đak Lak, vùng trọng điểm của cây cà phê Việt Nam cho biết, mưa còn kéo dài như hiện nay thì thu hoạch vụ mới phải qua tháng 11. Do đó vào giữa tháng 12 mới có thể đưa cà phê vụ mới ra thị trường.
Cuối tuần, giá cà phê giảm mạnh trên cả 2 thị trường. Tại London, giá cà phê robusta giảm 70 USD, tức giảm 3,58 %, xuống 1.955 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 11 và giảm 68 USD, tức giảm 3,43 %, xuống 1.983 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 1. Tại New York, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 12 giảm 10,05 cent, chiếm 4,48 %, xuống còn 224,35 cent/lb.
Giá cà phê trong nước cũng mất 1.200 đồng xuống còn 43.300-43.400 đồng/kg nhân xô.
Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ ở mức 2.055 USD/tấn, FOB, vẫn duy trì mức cộng 100 USD so với giá giao tháng11 tại London.
Chủ tịch khối Eurozone vừa tuyên bố, Liên minh Châu Âu sẽ làm đủ mọi cách để vực Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ chứ không thể để cho nước này vỡ nợ. Các chuyên gia của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng vừa đưa ra cảnh báo, Hy Lạp vỡ nợ không chỉ là thảm họa riêng của châu Âu.
Sở giao dịch Liffe NYSE quyết định sẽ mở kho tại nước ta, cho phép gửi mẫu từ Việt Nam sang London để kiểm tra chất lượng, nhằm rút ngắn thời gian giao hàng. Tin này là một thách thức lớn đối với sàn giao dịch BCEC tại Tây nguyên.