Trong tuần, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng tất cả 1.300 đồng/kg, lên mức 42.300-42.500 đồng/kg, là tuần lễ có mức tăng trưởng nội địa cao nhất kể từ đầu niên vụ cà phê 2012/2013.
Đầu tuần, giá cà phê thế giới có phiên điều chỉnh nhẹ trên cả hai sàn giao dịch kỳ hạn.
Tại sàn NYSE Liffe London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 giảm 13 USD, tương đương giảm 0,64%, xuống 2.035 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 8 USD, tương đương giảm 0,38%, xuống 2.079 USD/tấn, các mức giảm khá nhẹ. Tuy nhiên đây lại là mức giá Robusta thấp nhất tuần.
Tại sàn ICE New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 giảm 0,5 cent, tương đương giảm 0,35%, xuống 142,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 0,7 cent, tương đương giảm 0,49 %, xuống 143,1 cent/lb, các mức giảm cũng khá nhẹ.
Giữa tuần, giá cà phê trên hai sàn thế giới thể hiện xu hướng khác biệt rõ rệt. Trong khi London tiếp nối đà hồi phục đã có từ nửa cuối tuần trước theo xu hướng duy trì ở mức giá cao thì New York lại đan xen những phiên trái chiều với xu hướng giá thấp kéo dài từ đầu năm đến nay.
Giá cà phê Robusta tại London kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 23 USD, tương đương tăng 1,13%, lên 2.058 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 29 USD, tương đương tăng 1,39%, lên 2.108 USD/tấn.
Trong những diễn biến khác biệt, giá cà phê Arabica tại New York lên cao nhất tuần ở phiên ngày thứ Ba 26/2 khi kỳ hạn giao tháng 3 tăng lên mức 142,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng lên mức 143,5 cent/lb. Sau đó, giá cà phê Arabica giảm xuống mức thấp nhất tuần khi kỳ hạn giao tháng 3 giảm xuống còn 142,4 cent/lb ở phiên ngày thứ Tư 27/2 và kỳ hạn giao tháng 5 giảm xuống 143,2 cent/lb ở phiên ngày thứ Năm 28/2.
Cuối tuần, giá cà phê Robusta London nối tiếp chuỗi tăng lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 14 USD, tương đương tăng 0,68%, lên 2.072 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 7 USD, tương đương tăng 0,33%, lên 2.115 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica tại New York cũng có phiên điều chỉnh nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 0,25 cent, tương đương tăng 0,18%, lên 142,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 0,15 cent, tương đương tăng 0,1 %, lên 143,35 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng lên mức 42.300-42.500 đồng/kg, là mức cao nhất tuần và cũng là mức cao kể từ đầu vụ.
Cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ được chào giá 2.045 USD/tấn (FOB), với mứctrừ lùi 70 USD theo giá giao tháng 5 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 5 tăng 28 USD/tấn, tương đương tăng 1,34%, giá cà phê Arabica giao tháng 5 giảm 0,45 cent/lb, tức giảm 0,31% và giá cà phê nhân xô nội địa tăng 1.300 đồng/kg, tương đương tăng 3,16%.
Giá cà phê London vẫn duy trì ở mức cao, theo đánh giá của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), là do nhu cầu cà phê Robusta của thế giới ngày càng nhiều,. Chủ yếu là do suy thoái kinh tế nên người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu bằng cách chuyển sang sử dụng cà phê có giá rẻ nhiều hơn.
Trong khi hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Shawn Hackett, người đứng đầu Công ty tư vấn tài chính ở Boynton Beach, Florida, Mỹ cho rằng thâm hụt cà phê toàn cầu có thể lên tới 2 triệu bao cho dù thặng dư hiện tại ước tính là khoảng 9 triệu bao. Vì vậy đặt cược vào cà phê là tốt nhất trong phân khúc hàng hóa mềm.
Đặc biệt là những thông tin rất đáng chú ý ảnh hưởng tới giá cà phê Robusta. Khu vực Tây nguyên, nơi sản xuất cà phê chính của Việt Nam, đang bị hạn hán đe dọa nghiêm trọng sản lượng niên vụ 2013/2014, tiếp liền sau kết quả xuất khẩu giảm sút xấp xỉ 50% trong tháng Hai vì kỳ nghỉ Tết cổ truyền kéo dài. Và thông tin từ Indonesia, quốc gia sản xuất Robusta hàng đầu, có thể giảm lượng xuất khẩu trong niên vụ tới kể từ tháng Tư vì sẽ có một vụ mùa không đạt như mức kỳ vọng và nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng đang gia tăng.
Giá cà phê Arabica vẫn chưa khởi sắc vì Brazil tiếp tục đối diện một vụ thu kỷ lục. Trong khi nguy cơ suy giảm sản lượng, vì nấm bệnh đang bùng phát tại các quốc gia khu vực Trung Mỹ, nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu có thì cũng không thuộc năm nay.
Giá cà phê giảm còn do chính sách tiền tệ thế giới không ổn định, trong đó tỷ giá đồng USD tiếp tục bị đẩy lên cao đồng nghĩa với việc hàng hóa tính bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ.