Chốt tuần, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên lặp lại mức giá 41.300-41.500 đồng/kg là mức giá đạt được khoảng 15 ngày trước.
Tại sàn NYSE Liffe London giá cà phê Robusta giảm liên tiếp 2 phiên đầu tuần, kéo dài chuỗi giảm lên 7 phiên, trở thành chuỗi suy giảm dài nhất kể từ đầu vụ. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 16 USD, tương đương giảm 0,79%, xuống 2.006 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 13 USD, tương đương giảm 0,63%, còn 2.044 USD/tấn. Đây là mức giá Robusta London thấp nhất tuần và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2.
Trên sàn ICE New York, sau phiên nghỉ lễ Presidents Day đầu tuần, giá cà phê Arabica cũng tiếp nối đà suy thoái kéo dài. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 0,45 cent, tức giảm 0,33% xuống 136,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 1,8 cent, tức giảm 1,28% còn 138,4 cent/lb. Đây là mức giá Arabica New York thấp nhất tuần và là mức thấp 30 tháng.
Sau đó, giá cà phê thế giới đảo chiều tăng mạnh liên tiếp trên cả hai sàn cho đến cuối tuần.
Giá cà phê Robusta trên sàn LIFFE London kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 42 USD, tương đương tăng 2,09%, lên 2.048 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 43 USD, tương đương tăng 2,1%, lên 2.087 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE New York kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 6,6 cent, tức tăng 4,84% lên 143,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 5,4 cent, tức tăng 3,9%, lên 143,8 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên tăng lên 41.300-41.500 đồng/kg.
Giá cà phê xuất khẩu đang được chào 2.015 USD/tấn với trừ lùi 70 USD theo giá giao tháng 5 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta London tăng 30 USD, tức tăng 1,46% và giá cà phê Arabica tăng 3,6 cent/lb, tức tăng 2,57% , trong khi giá cà phê nội địa chỉ tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 0,97%.
Trong tuần này, thông tin kinh tế vĩ mô tác động mạnh nhất là sự suy yếu của đồng Euro. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng công cuộc giải cứu khủng hoảng nợ công ở các nước khu vực Eurozone không như kỳ vọng của thị trường.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng thay đổi chính sách trong việc tạm dừng các gói nới lỏng tiền tệ sau khi có tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ khởi sắc.
Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật, Đức đều cho thấy dấu hiệu tăng trưởng và nhiều quốc gia chủ trương có thể thả nổi đồng tiền để kích thích xuất khẩu trong khi nhiều nguồn quỹ đang có xu hướng thay đổi kênh đầu tư.
Thông tin Brazil vẫn còn lượng cà phê tồn kho nhiều hơn 20% so với năm ngoái và sắp bước vào vụ thu mới dự kiến đạt kỷ lục. Các nước khu vực Trung Mỹ tiếp tục loan tin nấm bệnh gây hại cây cà phê, đã nâng cao tầm cảnh báo lên mức độ quốc gia và cắt giảm xuất khẩu của khu vực này lên tới hai con số. Tồn kho Arabica do ICE theo dõi và chứng nhận tiếp tục gia tăng trong khi công nhân ở cảng Santos, cảng hàng hóa lớn nhất Mỹ Latin, đình công làm lượng tàu vận chuyển hàng hóa ứ đọng ở cảng nhiều gấp đôi bình thường.
Sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền, thương nhânViệt Nam đã trở lại tham gia thị trường nhưng lượng giao dịch còn hạn chế do giá nội địa đang ở mức cao. Vụ mùa sắp tới của các cường quốc cà phê châu Á như Ấn Độ, Indonesia có thể sụt giảm vì thời tiết bất lợi, nhất là trời mưa ẩm ướt làm ảnh hưởng quá trình thu hoạch và phơi sấy. Trong khi các nước sản xuất nhỏ cho biết có thể nâng cao thêm sản lượng do giá cà phê đạt mức cao trong thời gian qua là những thông tin cơ bản cần chú ý.