Để tăng nhanh lượng nông sản xuất khẩu và nông sản tiêu thụ ngoài tỉnh để từ đó thúc đẩy sản xuất tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng cho nông dân của các doanh nghiệp, các hợp tác xã đang được ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh quan tâm đặc biệt.
Từ năm đầu 2005 tới cuối năm 2011 vừa qua, ngoài 34 tỷ đồng của Nhà nước, toàn tỉnh đã thu hút được 2.500 tỷ đồng từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với nguồn đầu tư này, hiện tại, Lâm Đồng đã có 10.970 ha cây trồng được sản xuất theo hướng công nghệ cao; vì thế, sản lượng, chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn nguyên liệu chế biến công nghiệp và xuất khẩu đã không ngừng tăng hàng năm (xuất khẩu nông sản chất lượng cao hiện chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh). Tuy nhiên, cho tới nay, trên 94% sản lượng nông sản sản xuất hàng năm của địa phương chỉ được tiêu thụ trong nước (trong đó tiêu thụ nội tỉnh chiếm từ 2-4%), nông sản được chế biến – xuất khẩu chỉ mới chiếm từ 3-5%, và giá tiêu thụ nông sản chất lượng cao tại thị trường nội tỉnh thực tế lại không cao hơn nông sản được sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế là một trong những nội dung quan trọng của “ Liên kết 4 nhà” thể hiện tại Quyết định 80/TTg ngày 24/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Qua khảo sát của Sở NN-PTNT thì trên địa bàn tỉnh đang tồn tại các hình thức tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng như hợp đồng thuần túy về tiêu thụ nông sản, hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật sản xuất kết hợp với tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng hỗ trợ đầu vào như giống, vật tư … kết hợp tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức hợp đồng này đã có nhiều hiệu quả như người nông dân an tâm mở rộng sản xuất khi có đầu ra ổn định, doanh nghiệp và hợp tác xã chủ động được lượng – chất lượng hàng hóa cũng như nguyên liệu chế biến…
Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân hoạt động ngày càng có kết quả cao như Công ty TNHH Chè Hai Yih từ năm 2002 tới nay đã ký hợp đồng chuyển giao giống, kỹ thuật, vật tư và bao tiêu chè búp tươi nguyên liệu cho khoảng 258 hộ nông dân trồng chè olong tại Đà Lạt và Lạc Dương; Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Lâm Đồng hàng năm đều ký hợp đồng tiêu thụ nông sản nguyên liệu cho 400 hộ nông dân Đà Lạt với giá cố định ngay từ đầu vụ sản xuất; Công ty cổ phần Sinh học Rừng Hoa đã cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ hoa để xuất khẩu với 40 hộ; Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt xây dựng cơ sở thu mua – chế biến sữa cũng đã ký hợp đồng thu mua sữa bò tươi cho hàng trăm hộ chăn nuôi bò tại Đức Trọng, Đơn Dương…
Chi cục Phát triển nông thôn ( Sở NN-PTNT) cho biết, cùng với các doanh nghiệp, những năm gần đây, các hợp tác xã và các trang trại sản xuất cũng đã thực hiện tiêu thụ nông sản qua hợp đồng với xã viên và các hộ nông dân trong vùng với số lượng – khối lượng ngày càng tăng. Cụ thể, Liên hiệp HTX số 1 Lâm Đồng cùng với hợp đồng cung ứng 5.000 – 6.000 tấn phân bón cho các hộ sản xuất đã tiêu thụ lượng nông sản hàng hóa ước khoảng 37 tỷ đồng/ năm, Liên hiệp HTX Rau Hưng Phát Đà Lạt đã tiêu thụ khoảng 60% nông sản sản xuất hàng năm của các HTX NN tham gia liên hiệp, HTX Anh Đào – một trong những hợp tác xã tham gia Liên hiệp HTX Rau Hưng Phát còn thực hiện tiêu thụ riêng sản phẩm rau cho các hộ trong vùng trị giá khoảng 65 tỷ đồng/ năm để cung ứng cho các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh; Trang trại Phong Thúy ở Đức Trọng và các hộ tham gia đã ký hợp đồng cung ứng nông sản đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với hệ thống siêu thị Co.op Mart mỗi năm từ 1.500 – 1.700 tấn rau
Điều đáng mừng là phần lớn nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng kinh tế ký kết giữa các doanh nghiệp và các hợp tác xã với nông dân đều là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap. Và do vậy, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng không những đã tham gia gỡ khó cho người nông dân mà còn là nguồn động lực lớn để các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao.