Thu hút đầu tư vào Tây Nguyên: Cần có chính sách ưu tiên đặc biệt

dau-tuTây Nguyên được xem là khu vực giàu tiềm năng để phát triển kinh tế với các thế mạnh mà ở các khu vực khác không thể có như cà phê, cao su, hồ tiêu, khoáng sản, đặc biệt là nhiều chính sách ưu đãi… Thế nhưng trên thực tế cho đến nay việc thu hút các nhà đầu tư vào Tây Nguyên vẫn còn ở mức rất thấp bởi tác động của 2 nguyên nhân chính, đó là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Theo thống kê, đến thời điểm này, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 1.569 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 262 ngàn tỷ đồng, trong đó 22% số dự án và 25% số vốn đăng ký đã được triển khai thực hiện. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, Tây nguyên chỉ có 149 dự án đăng ký với tổng vốn hơn 800 triệu USD, bằng 1,15 % về số dự án và 0,4 % về vốn FDI của cả nước. Con số này cho thấy cả 2 lĩnh vực thu hút đầu tư so với bình quân chung của các vùng, các địa phương trong cả nước còn quá thấp.

Tại Hội nghị đánh giá về xúc tiến đầu tư ở khu vực Tây Nguyên mới đây được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông, đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, cùng các doanh nghiệp đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém trong công tác thu hút đầu tư vào Tây Nguyên trong đó nổi lên có 2 vấn đề lớn: Cơ sở hạ tầng kém, chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông nối các tỉnh Tây Nguyên và từ Tây Nguyên đến các vùng khác hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng, vận chuyển hàng hóa khó khăn; có thể nói hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng nhu cầu dân sinh chứ chưa đủ điều kiện phục vụ phát triển kinh tế… Bên cạnh đó nguồn nhân lực qua đào tạo còn thấp, chỉ bằng 1/2 so với các địa phương khác trong cả nước.

Hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã hình thành được khoảng 50 khu cụm công nghiệp, tuy nhiên chưa có khu, cụm công nghiệp nào lấp đầy diện tích mặt bằng, phần đông vẫn còn trong giai đoạn kêu gọi, thu hút đầu tư. Với những khó khăn trước mắt, các tỉnh trong khu vực rất cần Chính phủ có những chính sách ưu tiên đặc biệt để Tây Nguyên sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại, có như vậy các doanh nghiệp trong và ngoài nước mới quan tâm nhiều hơn đến Tây Nguyên.

Ngày 15-10-2011, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu rõ, Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung là địa bàn đặc biệt của đất nước, có vị trí địa lý, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh rất quan trọng. Nếu có quy hoạch và chính sách tốt, sẽ trở thành vùng kinh tế vững mạnh của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chủ tịch Quốc hội cũng đã chỉ rõ các hạn chế của các tỉnh Tây Nguyên như tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí còn thấp, chất lượng giáo dục, đào tạo; nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và từng tỉnh trong vùng cần tổng hợp, phân tích sâu sắc hơn tình hình, đề ra những giải pháp chính sách cần thiết giải quyết triệt để những khó khăn nổi cộm. Tổ chức tổng kết, thảo luận, xây dựng kế hoạch phát triển cho cả vùng và từng địa phương. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết chung của Quốc hội về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu tố, hướng tới mục tiêu giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, phát huy các tiềm năng khu vực quan trọng này. Chủ tịch cho biết tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ chú trọng những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến chủ trương, chính sách nâng cao đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Nguồn Daidoanket.vn