Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… tình trạng trộm cắp, phá hoại cà phê, hồ tiêu đang ở mức báo động. Để bảo vệ tài sản, nhiều nông hộ đã chủ động thu hái cà phê xanh non. Tuy nhiên, việc thu hái cà phê xanh non khiến chất lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm, sản lượng giảm và lâu dài sẽ có những hệ lụy khôn lường.
Thu hoạch sớm để… tránh trộm
Từ giữa tháng 10 đến nay, tại huyện Cư M’gar, vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk, đã xảy ra hàng trăm vụ trộm cắp cà phê, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ. Nhiều vườn cà phê ở xa các khu dân cư, không người trông coi chỉ sau một đêm, kẻ gian đã hái hết cả vườn. Thậm chí, bọn trộm cắp còn chặt cả cành, cả cây có nhiều quả cà phê chín để đưa ra nơi khác tuốt quả gây thiệt hại lớn trước mắt cũng như về lâu dài cho các nông hộ. Điều đáng lo ngại là kẻ trộm cà phê không đi đơn lẻ mà thường tổ chức thành từng nhóm để ra tay trộm với số lượng lớn theo kiểu triệt phá. Nhóm lẻ từ 3 – 4 người, nhóm lớn lên đến chục người, mang theo xe máy, bao bì để chứa đựng.
Sau khi xảy ra sự việc, người dân đã báo cáo chính quyền, lực lượng chức năng nhưng theo phản ánh của người dân thì chính quyền mới chỉ dừng lại ở chỗ ghi nhận sự việc, còn việc tiến hành điều tra, xử lý thì hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Bản thân các cơ quan chức năng cũng cho rằng, việc điều tra các đối tượng này rất khó, bởi các vườn cây chủ yếu nằm xa khu dân cư, vắng vẻ, hiện trường ít dấu vết, khi trộm cắp nếu có động tĩnh chúng dùng điện thoại để thông báo cho nhau tẩu thoát. Một số người dân sợ bị trả thù nên không trình báo hoặc trình báo chậm… Do vậy, các cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp trước mắt, các chủ vườn phải liên kết cùng nhau bảo vệ, khi phát hiện kẻ trộm thì nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Cần có biện pháp bảo vệ vườn cây
Do nạn trộm cắp cà phê đang diễn ra khá phức tạp nên mặc dù cây cà phê mới có tỷ lệ quả chín đạt gần 70% nhưng nhiều nông hộ ở Đắk Lắk đành thu hoạch sớm để bảo vệ an toàn vườn cây cho các niên vụ sau, vừa tránh được trộm cắp. Nông dân thu hoạch sớm bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng là khi vườn cây có tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà để góp phần nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu. Mặt khác, theo một số nông hộ, họ thu hái quả xanh nhiều là do chi phí thu hoạch quả và việc bảo vệ quả chín ngoài nương rẫy rất tốn kém. Tính trung bình một đêm trông nương rẫy cà phê trong mùa thu hoạch là 100.000 đồng. Trong khi đó, giá bán sản phẩm giữa quả xanh và quả chín không chênh nhau mấy.
Dưới góc độ chuyên môn, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hầu hết các nông hộ sản xuất cà phê chưa đánh giá đầy đủ những hệ lụy khi thu hoạch cà phê sớm. Qua nghiên cứu cho thấy, việc thu hoạch sớm lẫn nhiều quả xanh không những làm giảm chất lượng cà phê nhân xuất khẩu mà còn gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng. Nếu thu hoạch nhiều quả cà phê xanh vào đầu và giữa vụ thu hoạch, thì sự hao hụt về sản lượng trên khoảng 20% và nếu tiếp tục thu hái nhiều quả cà phê xanh non diễn ra, thời vụ thu hoạch cà phê sẽ chuyển dịch dần vào cuối mùa mưa, gây nhiều bất lợi cho việc thu hoạch và chế biến…
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã có các văn bản, chỉ thị cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm tăng cường bảo vệ các vườn cà phê. Các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh đều bố trí người ngày đêm túc trực trên nương rẫy, hoặc tự liên kết, thành lập các nhóm hộ luân phiên ngày đêm bảo vệ vườn cây. Các xã ở vùng trọng điểm cà phê cần củng cố các tổ an ninh tự quản phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, bảo vệ, không cho người lạ vào vườn cà phê. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra tạm trú, tạm vắng, số nhân hộ khẩu các nơi khác đến làm thuê… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đại lý thu mua cà phê không thu mua cà phê xanh, non, cà phê lẫn nhiều quả xanh của các đối tượng không rõ nguồn gốc. Khi gặp trường hợp nghi ngờ phải báo ngay với các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý.