Thú chơi… tận diệt rừng: Cần xử lý nghiêm

Thú chơi… tận diệt rừng: Cần xử lý nghiêm

Ở Đắk Lắk đang diễn ra tình trạng người dân đổ xô vào rừng săn lùng các gốc cây thuộc nhóm gỗ quý hiếm để bán cho các cơ sở làm đồ mỹ nghệ. Việc làm này đã xâm hại trái phép tài nguyên rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

u128_a25

  Nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ để lấy gỗ.

Tan hoang rừng phòng hộ

Rừng trên địa bàn huyện Ea Súp có vai trò rất lớn trong điều tiết và giữ nguồn nước cho hồ Ea Súp Thượng. Theo thiết kế, hồ có dung tích 146 triệu mét khối nước, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 9.000ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 20.000 dân. Tuy nhiên, do rừng bị tàn phá nên nguồn nước trong hồ cũng ít dần. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, bình quân mỗi ngày, trên địa bàn huyện Ea Súp có 1 vụ xâm hại rừng bị phát hiện và xử lý. Nhiều điểm nóng về phá rừng đã xảy ra, với hàng nghìn hecta rừng bị tàn phá trong thời gian ngắn.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Văn Trọng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết: “Toàn huyện hiện còn 137.000ha rừng. Lâu nay, rừng Ea Súp đang chịu nhiều áp lực, trong đó nổi lên tình trạng di dân tự do khiến rừng bị xâm hại để lấy đất “lập làng” và “định canh”. Thực tế đã xảy ra những điểm nóng về phá rừng tại các tiểu khu 233, 249, 265, 271. Bên cạnh đó, nhiều chủ rừng sau khi được giao quản lý, bảo vệ hoặc triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội lại buông lỏng quản lý, để rừng và đất lâm nghiệp bị xâm hại vô tội vạ. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều người dân ở các nơi đổ xô vào rừng săn lùng các gốc cây thuộc nhóm gỗ quý hiếm để bán cho các cơ sở làm đồ mỹ nghệ. Ngoài việc lâm tặc phá rừng trái phép còn hình thành một đội quân chuyên đi tìm kiếm, đào bới gốc cây về bán. Hành vi này khiến cho rừng mất cơ hội tái sinh, phục hồi, nguy cơ xói mòn đất, lũ lụt tăng lên khiến cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thú chơi… tận diệt rừng

Do rừng ngày càng bị thu hẹp, nguồn gỗ tự nhiên trở nên ít ỏi, trong khi nhu cầu sử dụng đồ gỗ tăng cao nên đồ gỗ mỹ nghệ có giá không hề rẻ, đặc biệt những món đồ có hình thù lạ mắt hoặc chi tiết phức tạp càng đắt tiền.

Qua tìm hiểu một số cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi được biết, một gốc cây gỗ hương lớn có giá bán lên đến 50 triệu đồng. Đối với gỗ cẩm lai có giá từ 100 triệu đồng trở lên. Thương lái sẵn sàng “đặt hàng” cho các nhóm đối tượng săn lùng loại gốc cây rừng thuộc nhóm gỗ quý hiếm này để chế tác ra các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp.

Giữa cái nắng gay gắt của mùa khô, trong vai người đi tìm mua gốc cây về làm bàn ghế, chúng tôi đến trung tâm thị trấn Ea Súp để tìm hiểu. Tại đây có nhiều người dân ở các buôn Súp A, Súp B, Súp C đi đào gốc cây về bày la liệt ở mặt đường để chào hàng. Theo anh Y Minh, một trong những người chuyên đào gốc cây rừng ở huyện Ea Súp, nay đã “giải nghệ”, do có giá bán cao nên ngày càng có nhiều người vào rừng săn lùng gốc cây quý hiếm. Một gốc cây gỗ dáng hương, cà te có đường kính từ 1,5m trở lên giá bán ngay tại cửa rừng lên đến 20 triệu đồng, đối với gỗ cẩm lai giá còn cao hơn nhiều. Một người dân chuyên săn gốc cây rừng ở Ea Súp cho biết, bình quân mỗi gốc bán với giá 3-4 triệu đồng; nếu thuộc loại gỗ quý, khối lượng lớn và kiểu dáng phức tạp, giá 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là những gốc cây lớn, nằm ở xa nên phải bỏ ra không ít công sức, mồ hôi và chi phí mới đưa về được.

Đề nghị tỉnh Đắk Lắk có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những hành vi nói trên để góp phần ngăn chặn kiểu khai thác rừng tận diệt.

Nguồn Kinh Tế Nông Thôn