Khi giá xăng dầu tăng cao, việc sử dụng dầu diesel để chạy máy bơm tưới càphê trở nên đắt đỏ, điện đã trở thành lựa chọn đối với nông dân trong mùa khô này. Tuy nhiên, điện chập chờn nên nông dân khổ trăm bề.
Rừng bị tàn phá nặng nề, hiện tượng El Nino, cộng với việc chặn dòng để xây dựng các công trình thuỷ điện… khiến các mạch nước ngầm cạn kiệt; nước trên bề mặt các sông, hồ, suối cũng suy giảm nghiêm trọng, khiến mùa khô Tây Nguyên trở nên gay gắt hơn. Ông Phạm Vũ Tuấn, trưởng phòng dự báo đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Tây Nguyên nhận định, mùa khô năm nay có thể diễn biến phức tạp hơn do lượng mưa trung bình năm của năm 2011 thấp. Chính vì vậy, nước tưới cho cây trồng, nhất là càphê đang là nỗi lo lớn đối với người dân. Tại các tỉnh Gia Lai, Dăk Lăk, Dăk Nông… đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy người dân đi mua, kéo và chôn ống để tưới nước cho cây càphê.
Anh Trần Thanh Sơn ở xã A Yun (huyện Chư Sê, Gia Lai), cho biết anh vừa thuê người đào giếng tốn gần 30 triệu đồng, nhưng vẫn chưa thấy mạch nước. Nhiều gia đình đào giếng sâu hàng trăm mét, nhưng mạch nước ngầm vẫn không chảy kịp, phải vừa tưới vừa đợi nước. Thông thường mỗi niên vụ, người trồng càphê phải tưới từ 3 – 4 đợt (cách nhau từ 20 – 25 ngày/đợt), vì vậy nếu tình trạng khô hạn tiếp diễn, sẽ không còn nước tưới cho cây trồng.
Để giảm chi phí, nhiều người dân đã chuyển từ máy bơm chạy dầu diesel sang dùng điện, song chỉ một số ít người dân áp dụng được bởi những diện tích càphê cách xa khu dân cư, nơi lưới điện chưa đến nơi thì vẫn phải mua dầu chạy máy. Anh Nguyễn Văn Tâm ở xã Dăk Lao, huyện Dăk Mil (Dăk Nông), cho biết nếu so với việc tưới nước bằng dầu diesel, dùng điện rẻ hơn. Cụ thể với giá dầu dieSel tăng cao như hiện nay, mỗi hecta càphê phải mất trên 2,1 triệu đồng/lần tưới, so với việc tưới bằng điện thì chỉ mất không quá 300.000 đồng/lần tưới. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vùng nông thôn ở các tỉnh Tây Nguyên, lưới điện quốc gia vẫn chưa phủ khắp. Ông Phạm Văn Tương, phó chủ tịch UBND xã Ea Tân, cho biết vào mùa khô, người dân địa phương phải phân chia nhau thời gian sử dụng điện để tưới nước cho càphê.
Bên cạnh nỗi lo nguồn nước khan hiếm, điện chập chờn, giá xăng dầu tăng cao, nông dân còn phải đối mặt với giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Chị Lê Thị Huyền ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar (Dăk Lăk) than, như mọi năm, gia đình chị chỉ đầu tư khoảng 40 triệu đồng cho việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền dầu diesel tưới cho càphê, tuy nhiên, hiện nay, để đầu tư cho một đợt tưới và chăm sóc càphê, mỗi hecta cũng phải mất 60 triệu đồng.
Nước ngầm miền Trung và Tây Nguyên đang giảm
Tiến sĩ Ngô Tuấn Tú, phó liên đoàn trưởng liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung, cho biết nguồn nước ngầm tại nhiều vùng của các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đang suy giảm về số lượng và chất lượng, nhiều nơi nước ngầm suy giảm 20 – 30%. Tại nhiều vùng ở Tây Nguyên, mực nước ngầm đã tụt 3 – 4m so với trước đây. Ông Tú giải thích, nước ngầm tại vùng duyên hải Trung bộ rất hạn chế so với các khu vực khác, chỉ tồn tại trong các tầng chứa nước nhỏ ở các đồng bằng nhỏ hẹp ven biển, các thung lũng sông. Tại vùng Mộ Đức (Quảng Ngãi), Ninh Thuận, người dân đã khai thác quá mức nước ngầm để nuôi tôm, sau đó xả nước thải ra làm bẩn tầng chứa nước. Việc khai thác titan ở Bình Định, Bình Thuận cũng ảnh hưởng nước ngầm rất lớn, nhiều nơi dùng nước ngầm để khai thác, gây nhiễm mặn.Tại Tây Nguyên, do phát triển diện tích càphê quá mức, sáu tháng mùa khô không có mưa, người dân đã khoan nhiều giếng để tưới càphê làm nước ngầm sụt giảm 3 – 4m. Tại thị xã Bảo Lộc, một số giếng đã suy kiệt phải dừng khai thác. Nguyên nhân chính nữa là do mất rừng phòng hộ. Mặt khác, sông miền Trung ngắn, dốc lại quá nhiều đập thuỷ điện đã hạn chế lượng nước về hạ lưu đã ảnh hưởng đến nước ngầm.