Thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về du lịch

Du lịch Đắk Lắk được đánh giá là giàu tiềm năng và khá hấp dẫn du khách, tuy nhiên vẫn còn thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng và chuyên môn để góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương phát triển…

Những năm gần đây, du lịch Đắk Lắk có nhiều khởi sắc, lượng khách đến không ngừng tăng cao, 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh đón 397.800 lượt khách, tăng 13,32% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, khách quốc tế 37.600 lượt, khách trong nước 360.200 lượt, doanh thu du lịch đạt 312 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành du lịch tỉnh hiện nay là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), tính đến tháng 6-2015, nhân lực làm việc trong ngành du lịch của tỉnh gần 3.000 người, trong đó, chỉ có khoảng 30% được đào tạo chuyên về du lịch và cũng chỉ 30% trong số đó có trình độ về ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh và Pháp. Sở này cũng khẳng định, du lịch Đắk Lắk vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do hoạt động kinh doanh du lịch mới được phát triển trong giai đoạn gần đây nên đội ngũ cán bộ, nhân viên ở lĩnh vực này vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là có trình độ về ngoại ngữ.

images1104717_IMG_7939
Du khách tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Lắk bằng thuyền độc mộc.

Trên thực tế, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trong tỉnh ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại với 60 khách sạn, 138 nhà khách, nhà nghỉ, tổng số 3.903 phòng các loại có thể phục vụ hơn 6.000 khách du lịch cùng một thời điểm (tăng 1,5 lần so với năm 2010). Tuy nhiên, chỉ có 30 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao và 4 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, còn lại hầu hết là các cơ sở lưu trú nhỏ, hoạt động chưa thật sự bài bản. Bất cập lớn nhất là phần lớn các chủ cơ sở lưu trú đều chưa qua trường lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ chưa cao và chưa mang lại sự hài lòng cho du khách.

Trong lần cùng đoàn Farmtrip đến khảo sát du lịch tại Đắk Lắk do Tổng cục Du lịch tổ chức hồi tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, Đắk Lắk có nền tảng tốt để phát triển du lịch nhưng nguồn nhân lực có chuyên môn ở đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Những năm gần đây rất nhiều lần công ty của ông tổ chức đưa các đoàn khách Nhật đến Đắk Lắk tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, nhưng tiếc thay, hướng dẫn viên tiếng Nhật tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh hầu như không có! Còn những đoàn khách nội địa thì hướng dẫn viên phụ trách tuor ở đây vẫn chưa thực sự làm cho họ thấy rõ điểm khác biệt, sức hấp dẫn, lý thú của lịch sử, văn hóa, cảnh quan địa phương với các tỉnh khác…

Nguồn nhân lực có chuyên môn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương phát triển, chính vì vậy, Sở VH-TT- DL thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng và quản lý nhà hàng, khách sạn cho các doanh nghiệp, nhân viên phục vụ trong ngành, nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng “tận dụng” lao động trong gia đình chưa được đào tạo bài bản để tự quản lý và kiêm luôn cả nhân viên phục vụ tại nhiều cơ sở lưu trú vẫn còn khá phổ biến nên kỹ năng nghề nghiệp chưa cao cũng là điều dễ hiểu. Để giải quyết vấn đề này, theo Sở VH-TT-DL, trước mắt cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch (kể cả cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương, cán bộ quản lý kinh doanh, nhân viên nghiệp vụ ở các doanh nghiệp…) đồng thời, cần có kế hoạch sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo du lịch các cấp, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo; mở rộng hợp tác liên kết với nước ngoài nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu phát triển nhân lực ngành du lịch. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để triển khai ứng dụng kết quả Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (Dự án EU) về hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS)…

Nguồn Baodaklak.vn