Thiếu kỹ năng phòng chống, sốt xuất huyết lan rộng

Ngoài nguyên nhân do yếu tố thời tiết và tính chu kỳ của dịch bệnh thì thiếu kỹ năng phòng chống là lý do chính khiến dịch sốt xuất huyết ở Đắk Lắk lan rộng.

Lam-gi-truoc-dich-sot-xuat-huyet-dang-hoanh-hanh-radiovietnam
Các hộ gia đình cần diệt trừ những ổ loăng quăng, bọ gậy để phòng sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)

Chỉ trong hơn 3 tháng bùng phát, từ tháng 8 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 1.500 người mắc sốt xuất huyết và đã có trường hợp tử vong. Ngoài nguyên nhân do yếu tố thời tiết và tính chu kỳ của dịch bệnh thì thiếu kỹ năng phòng chống là nguyên nhân chính khiến dịch sốt xuất huyết ở Đắk Lắk lan rộng.

Ngôi nhà của ông Võ Đình Chuẩn ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk lọt thỏm giữa rẫy cà phê, xung quanh cây cối um tùm; quanh nhà có nhiều thùng phi, chum nước để ngổn ngang. Trong nhiều thùng nước, loăng quăng đã nở thành đàn nhưng trong ý thức của ông Chuẩn đó là điều khó tránh khỏi: “Vườn rậm thì phải có muỗi thôi. Chứ bây giờ biết làm sao, đâu phải xịt thuốc hết vườn rộng này là hết toàn bộ muỗi”.

Ông Lê Văn Duyên, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cư Mgar cho biết, mấy tháng qua, địa phương liên tục có ca mắc sốt xuất huyết, số ca tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trung tâm y tế huyện đã huy động lực lượng, phun hóa chất diệt muỗi, phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguyên nhân của bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống nhưng người dân vẫn còn chủ quan trong công tác này: “Ý thức của người thân trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng đang còn rất kém, qua công tác kiểm tra, giám sát thì thấy các tổ dân phố ở thị trấn Quảng Phú cũng chỉ làm tự phát ở từng hộ gia đình, còn vấn đề tổng vệ sinh ra quân đồng loạt thì chưa được”.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, từ tháng 7 đến tháng 10, đã có gần 630 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị, trong đó có 121 ca dương tính với sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk, thiếu kỹ năng phòng chống là nguyên nhân chính khiến bệnh sốt xuất huyết lan rộng và kéo dài. Ở các khu dân cư, kể cả vùng nông thôn và đô thị, người dẫn vẫn chưa phân biệt được đâu là yếu tố nguồn bệnh, nên vẫn để tồn tại các dụng cụ chứa nước, là môi trường để loăng quăng sinh sôi, phát triển.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, phân tích: “Bà con chúng ta nói đến bệnh sốt xuất huyết là cũng rất lo lắng tuy nhiên việc xử lý cụ thể các trường hợp để không bị sốt xuất huyết thì lúng túng. Ví dụ ở các thành phố, người dân để các chậu cây cảnh, các lọ nước, thùng phi chứa nước mưa rất nhiều nhưng lại không xử lý được hoặc là không chịu khó tìm các ổ lăng quăng, bọ gậy ở trong nhà mình để xử lý dứt điểm”.

Nguồn Vovgiaothong.vn