Thị trường cà phê đang tìm cách ổn định giá

Cà phê đang vào mùa thu hoạch nhưng vẫn chưa kịp ra thị trường. Áp lực giao hàng trong khi hàng chưa sẵn sàng giúp giá nội địa và xuất khẩu tăng nhưng vẫn trong tình trạng bất an.

Xuất khẩu vẫn chậm do một mặt nông dân chưa hài lòng với mức giá hiện tại, một mặt người nhập khẩu chưa mua nhiều, có lẽ do ảnh hưởng khủng hoảng nợ tại các nước nhập khẩu ở châu Âu.

1

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa giao dịch thị trường kỳ hạn cà phê robusta ở London.

Thu hoạch diễn biến tốt

Tại hầu hết các vùng sản xuất cà phê robusta ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, nông dân đang vào đợt thu hái chính. Đến nay, ước chừng 30-40% cà phê đã được thu hái. Tuy có mưa rải rác một số nơi, cà phê vẫn được phơi phóng tốt dưới ánh nắng mặt trời. Chỉ trừ một số nơi do sợ bị hái trộm, nông dân đành phải hái trái xanh, hiện tượng này có thể làm giảm chất lượng trong tách thử nếm và giảm đôi chút sản lượng, còn nhìn chung tiến trình thu hoạch đang diễn biến rất tốt.

Cái lo nhất của nông dân trồng cà phê khi thu hoạch là gặp áp thấp nhiệt đới gây mưa lâu ngày. Song, rất mừng là từ đầu tháng 11 đến nay, trời khá khô ráo, nông dân không phải dùng lò sấy nhiệt, giảm được một ít chi phí trong khâu này.

Do còn đang rất bận rộn với thu hái và phơi phóng, cà phê vẫn chưa được đưa bán rộ trên thị trường.

Giá nội địa và xuất khẩu vẫn còn bất an

Tuy đến sáng hôm nay 16/11, giá cà phê nhân nội địa đang ở mức 37.500 – 38.000 đồng/kg, cao so với các tuần trước chừng 2.000 đồng, nhưng khuynh hướng tăng chưa có gì bảo đảm vững chắc. Có lẽ từ đầu vụ (1-10) đến nay, trong mấy ngày này là dịp thị trường có giá tăng cao nhất. Tuy nhiên, do hàng chưa sẵn sàng; mặt khác, hình như người bán chưa bằng lòng với mức này, nên thị trường nội địa khá lừng khừng muốn tăng hơn muốn giảm.

Giá đóng cửa thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe vẫn chưa qua được mức 1.900 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 1/2012 sau khi trượt dài từ ngày đầu vụ (biểu đồ 1). Liffe tháng 1-2012 tối qua đóng cửa mức 1.870 đô la/tấn, giảm 22 đô la/tấn so với 2.014 đô la/tấn ngày đầu niên vụ ngày 1/10.

Trong khi đó, một bộ phận các nhà xuất và nhập khẩu đã đánh giá sai thời điểm thu hoạch, đã bán trước một lượng hàng robusta loại R2, 5% đen bể, tuy không nhiều, với giá chênh lệch thấp so với giá thị trường kỳ hạn robusta Liffe với mức trừ 70 đến 90 đô la/tấn. Đến nay, do hàng hóa chưa ra nhiều, gặp phải nông dân chưa chấp nhận giá hiện tại, giá xuất khẩu đang được trả quanh mức trừ 40-50 đô la/tấn dưới giá Liffe.

Giá xuất khẩu đang được trả cao hơn nhờ có một số hợp đồng trước đây đã chốt được giá cao nay đến ngày giao hàng, các nhà xuất khẩu đành phải nâng giá nội địa để mua hàng để kịp giao, nhờ vậy giá nội địa ít suy giảm khi giá kỳ hạn rớt; hơn nữa, giá Liffe thấp cũng góp phần đẩy mức chênh lệch của giá xuất khẩu tăng cao hơn.

Trong khi đó, giá cách biệt giữa robusta Liffe và arabica Ice nay vẫn còn trên 3.300 đô la/tấn, Brazil đang giữ chặt cà phê robusta để tiêu thụ nội địa nên có mức chào xuất khẩu khá cao cho loại này. Đây cũng là yếu tố làm giá nhập khẩu dựa trên mức chênh lệch đối với Liffe tăng trong những ngày gần đây. Rõ ràng, lượng bán ra từ Việt Nam hiện nay khá thận trọng nên giá kỳ hạn Liffe có phần chững lại.

Nhưng, nếu một khi vì một lý do gì đó mà nông dân phải bán ra khi đã có lượng hàng khá nhiều trong tay, giá Liffe và xuất khẩu rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực. Do vậy, tuy đang ở mức 38.000 đồng/kg và mức trừ lùi loại R2,5% đen bể có tăng so với trước đây chừng 30-40 đô la/tấn, giá nội địa và xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều bất an.

Kinh doanh cà phê: Lắm gian truân

Dù niên vụ này có được hay mất mùa, xuất khẩu cà phê trong những ngày tới xem ra còn lắm chông gai. Đối với thị trường xuất khẩu, khủng hoảng nợ châu Âu và suy thoái kinh tế ở Mỹ đã không cho phép các nhà nhập khẩu mạnh tay mua vì lượng vốn vay có hạn. Rất có thể, bên mua sẽ tạm thời thay đổi cách mua.

Thay vì như các năm trước khi nguồn tín dụng đầy đủ, họ đã mua dài hơi, có khi mua một lần cho cả năm, thì năm nay do túi tiền nhỏ lại, họ chỉ cho phép mình mua từng đợt với lượng ít hơn và ngày giao hàng gần hơn. Chính vì vậy, áp lực gây ra từ bên mua sẽ dịu đi nhưng sẽ mạnh hơn từ phía bán nếu như hàng nhiều. Đặc biệt, với các hãng kinh doanh châu Âu, thường là người mua chính trên thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam, ngân hàng của họ sẽ không dám cấp tín dụng bằng đô la.

Nên chăng, các nhà xuất khẩu nước ta cần tính toán đến việc thanh toán bằng đồng euro, bảng Anh hay Franc Thụy sỹ…cho các hợp đồng xuất khẩu để khơi thông thêm đường xuất khẩu.

Hãng môi giới MF Global của Mỹ, trước đây rất tích cực tại các thị trường hàng hóa, trong đó có cà phê, vừa qua phải tuyên bố vỡ nợ do mua tài sản rủi ro tại châu Âu quá tay, đã ra khỏi thị trường. Đây chính là bài học xương máu về hám lợi và chống rủi ro cho hãng và cơ quan cấp tín dụng khác. Giá Liffe trong những ngày qua có phần èo uột cũng vì lý do thiếu tính thanh khoản trên các thị trường hàng hóa. Một lực lượng đầu cơ rút vốn về để tính đường khác.

Ngoài ra, cà phê là một mặt hàng nhu yếu phẩm của châu Âu và Bắc Mỹ. Trong thời gian sắp tới, tại nhiều nước nhập khẩu cà phê của Việt Nam, sẽ có nhiều cuộc bầu cử quan trọng. Các nhà lãnh đạo các nước hiện nay nếu còn muốn giữ ghế thì việc giữ ổn định giá lương thực – thực phẩm ngay trong nước họ là một trong những vấn đề sống còn của các cuộc tranh cử.

Chính vì thế, tuy lượng cà phê tồn kho của châu Âu theo báo cáo mới nhất giảm khá mạnh, giá kỳ hạn Liffe vẫn chưa gượng nổi. Tính đến hết tháng 9-2011, lượng tồn kho cà phê châu Âu theo Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation – ECF) giảm trên 1 triệu bao (bao 60 kg) sau 2 tháng, chỉ còn 12.632.346 bao (biểu đồ 2), trong đó có chừng 330.000 tấn cà phê đã nhận giấy xác nhận chất lượng Liffe (certs).

Lượng cà phê tồn kho của Mỹ và Nhật trong tháng 10-2011 cũng giảm như theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê hạt của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) chỉ còn 4.459.416 bao, giảm trên 120.000 bao so với tháng 9-2011.

2

Hàng tồn kho.

Đối với trong nước, các nhà xuất khẩu vẫn còn lúng túng trong việc đi tìm vốn vay. Mặt khác, lãi suất ngân hàng hiện vẫn còn rất cao trong khi lãi trong kinh doanh cà phê quá thấp, thậm chí quá rủi ro. Ở những năm trước, một số nhà xuất khẩu còn dựa vào lượng hàng gửi kho (cà phê ký gửi) để bán trước khi hàng thiếu, điều đó sẽ không xảy ra phổ biến trong năm này vì kinh tế gia đình nông dân đã khá hơn và họ sợ rủi ro, không chủ động được giá bán khi muốn chốt với người nhận hàng gửi. Dù sao, theo họ, hàng để tại nhà, khi nào có giá tốt hay cần bán, vẫn chủ động hơn.

Cho nên, bài toán xuất khẩu cà phê vẫn còn khá nan giải khi hàng bán ra chưa nhiều, giá tạm thời tăng nhưng vẫn không mạnh như trước. Chỉ ngại rằng một khi các ngân hàng hay các chủ nợ yêu cầu nông dân trả nợ vào những thời điểm nhạy cảm khi họ vẫn còn hàng nhiều trong tay, giá sẽ không trụ nổi.

Tâm lý lo sợ giá xuống sẽ kích nông dân bán ra gây nên nhưng đợt bán mạnh, đẩy giá xuống. Điều này hoàn toàn không có lợi gì cho nông dân và cho kim ngạch xuất khẩu của niên vụ mới.

Hiepcoi(tổng hợp)