Thêm giải pháp giảm thiểu thương vong nạn nhân tai nạn giao thông

Lâu nay, tai nạn giao thông (TNGT) luôn gây ra nỗi lo thường trực đối với toàn xã hội, hậu quả mà người gặp TNGT phải gánh chịu là hết sức nặng nề. Tuy nhiên, nếu được sơ cấp cứu đúng cách sẽ góp phần giảm thiểu thương vong cho người bị nạn.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 11.179 vụ TNGT, làm chết 4.478 gười, bị thương trên 10.000 người; còn tại Đắk Lắk xảy ra 250 vụ, làm chết 137 người, bị thương 227 người. So với cùng kỳ năm trước, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, song số người tử vong do tai nạn vẫn rất lớn, trong đó một phần do không được sơ cấp cứu kịp thời hoặc do thực hiện các thao tác không đúng cách. Thực tế, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1203/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tổ chức cấp cứu TNGT trên mạng lưới đường bộ cao tốc đến năm 2020, với mục tiêu chung vận chuyển người bị nạn nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn, hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng cho nạn nhân.

Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 – 2020 là bảo đảm tối đa 50 km đường bộ cao tốc có một trạm cấp cứu TNGT đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; 100% cán bộ của lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, tuần tra viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản TNGT; 80% lái xe đã được cấp giấy phép lái xe, cán bộ Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản… Tuy nhiên, Quyết định trên mới chỉ đề cập đến việc tổ chức sơ cấp cứu trên các tuyến đường cao tốc, trong khi ở các địa phương, TNGT nghiêm trọng xảy ra trên các tuyến quốc lộ trọng điểm luôn chiếm tỷ lệ lớn.

Đơn cử, Đắk Lắk là tỉnh không có đường cao tốc đi qua, nhưng có 5 tuyến quốc lộ gồm: QL 14, 14C, 26, 27 và 29 có tổng chiều dài gần 600 km, hằng năm số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên các tuyến đường này khá nhiều, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2015, có đến 92/250 vụ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ trọng điểm của tỉnh; chỉ tính riêng trong tháng 7-2015, trên các tuyến quốc lộ xảy ra 8/20 vụ TNGT nghiêm trọng, tăng 9 vụ và tăng 14 người chết so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, phần lớn trên các tuyến quốc lộ đều có các cơ sở y tế như bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế cấp xã, nhưng lại phân bố không đều, chủ yếu mỗi huyện có 1 bệnh viện đa khoa nằm dọc tuyến quốc lộ, còn cơ sở y tế cấp xã thường đặt xa đường nên khi có tai nạn xảy ra không đáp ứng được việc sơ cấp cứu người bị nạn.

images1090495__MG_8399

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh hướng dẫn học viên cách sơ cứu vết thương ở phần bụng người bị nạn.

Nhằm thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình “Tập huấn kỹ năng sơ cứu” tại các tỉnh, thành phố của Ủy ban ATGT Quốc gia và hướng tới mục tiêu chung là giảm số lượng thương vong vì TNGT, cuối tháng 7-2015, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức lớp tập huấn sơ cấp cứu TNGT cho các học viên là cán bộ hội, công an viên, trưởng các thôn thuộc 3 huyện nằm dọc Quốc lộ 26 là Krông Pắc, Ea Kar và M’Đrắk.

Các học viên đã được hướng dẫn những kỹ năng sơ cứu cần thiết nhất để có thể xử lý kịp thời và hiệu quả trong trường hợp TNGT xảy ra như: dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, nguy cơ, cách sơ cứu khi nạn nhân bị chảy máu, tổn thương xương khớp… Anh Bùi Văn Hồng, cán bộ Hội Chữ thập đỏ thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) chia sẻ, qua lớp tập huấn, anh được trang bị thêm những kiến thức về các tình huống khi xảy ra TNGT, đặc biệt là các bước quan sát hiện trường, thu thập thông tin và cách tiếp cận nạn nhân, qua đó phát hiện các mối nguy hiểm mà người bị nạn có thể gặp.

Tương tự, anh Trần Hải Đăng, Phó Bí thư đoàn cơ sở thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) cho hay, từ trước đến nay, anh cùng các đoàn viên khác cũng tham gia ứng cứu nhiều trường hợp bị TNGT trên Quốc lộ 26, đoạn qua địa phận huyện Ea Kar, nhưng do không được trang bị những kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu nạn nhân, nên những thao tác vẫn còn vụng về, chưa phù hợp. Qua 3 ngày tham gia lớp tập huấn này, ngoài phần học lý thuyết, anh được tham gia tất cả các thao tác thực hành về sơ cấp cứu nạn nhân khi bị chấn thương. Sau đợt tập huấn này, anh sẽ truyền đạt cho các đoàn viên cơ sở trực thuộc mà trước hết là cán bộ đoàn có những kiến thức cơ bản về những kỹ năng cần thiết để sơ cấp cứu người bị nạn.

Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh khẳng định, việc sơ cấp cứu ban đầu là vô cùng cần thiết bởi thời gian chờ đợi bác sĩ cấp cứu đến hiện trường 1 vụ TNGT thường rất lâu, có thể làm nạn nhân lâm vào tình trạng nguy hiểm như ra máu nhiều, giảm nhịp tim, ngừng thở, thậm chí tử vong do không được sơ cứu kịp thời. Lớp tập huấn là dịp góp phần nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu, ứng phó trong tình huống khẩn cấp cho đội ngũ cán bộ trong Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên, người dân tại các tuyến đường thường xảy ra TNGT.

Với mục tiêu đó, dự kiến trong thời gian tới, Ban ATGT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn sơ cấp cứu TNGT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên cho 2 tuyến quốc lộ (14 và 27) trọng điểm có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông cao.

Nguồn Baodaklak.vn