Thám hiểm thác bạc, rừng xanh Tây Nguyên

Chỉ cần hai ngày cuối tuần, du khách phương Nam có thể làm một chuyến du lịch bụi để thoát khỏi cảnh xô bồ, tìm về chốn hoang dã rừng xanh Tây Nguyên. Quốc lộ 14 đã làm mới khiến đường đến Đắk Lắk từ các tỉnh lân cận và TP HCM dễ dàng.

10 năm trước, du lịch Đắk Lắk chưa được nhiều người biết đến. Cảnh đẹp núi rừng được biết đến do những chuyến công tác, giao dịch làm ăn ở Buôn Ma Thuột, người ta kết hợp thăm thú buôn làng, rừng núi. Gần đây, tour du lịch Đắk Lắk và Đắk Nông đã có nhiều công ty lữ hành đưa vào khai thác.

thac-khoi-dray-sap

Thác khói Dray Sap

Điều thú vị cho khách đường xa là nhiều ngọn thác đẹp có tiếng của Đắk Nông và Đắk Lắk nằm gần nhau cùng trên một dòng sông chảy về hướng Tây: Sêrêpôk. Những ngọn thác hoang dã còn xa lạ với nhiều người như: Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ, Dray HLinh…

Theo quốc lộ 14 từ TP HCM đi qua Bình Dương – Bình Phước, du khách sẽ gặp thác Dray Sap (huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông). Dray Sap cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km. Không hẳn là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất trên dòng Sêrêpôk, song Dray Sap đẹp từ tên gọi đến cảnh quan và truyền thuyết về ngọn thác. Theo tiếng dân tộc Êđê, Dray là thác, còn Sap là khói.

Cách đó chừng 3km là thác Gia Long, đường dẫn vào thác xuyên qua giữa rừng xanh ngút ngàn vi vu gió và chim hót ríu ran. Cảnh đường rừng hoang dã tuyệt đẹp với nhiều loại cây gỗ quý hiếm khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa. Không phải là dịp lễ, thác Gia Long lặng lẽ giữa rừng già, ít khách thăm viếng hơn những ngọn thác gần đó.

thac-gia-long

Thác GiaLong lặng lẽ giữa rừng già

Những người dân địa phương sống lâu năm ở đây kể rằng thác có tên Gia Long chính là bắt nguồn từ việc vua Gia Long đã từng thưởng ngoạn cảnh thác và cho xây một cây cầu bắc ngang dòng suối nơi chân thác. Thác Gia Long cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m. Quanh thác là rừng xanh ôm vào lòng hồ tắm tiên rộng khoảng 100m2 êm ả làn nước trong xanh chảy ra từ trong núi.

Nằm trong cụm thác gần sát nhau trên dòng Sêrêpôk còn có thác Trinh Nữ cũng thuộc huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20km về phía Tây Nam theo quốc lộ 14, thác Trinh Nữ không hùng vĩ như những ngọn thác trong cùng một cụm thác, song được nhiều người biết đến nhờ quần thể đá bazan màu xám đen nứt nẻ dạng cột, lăng trụ, có kích thước tới vài mét nằm chồng chất bên bờ suối. Mùa nước lũ, suối chảy xiết va vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa.

Đệ nhất hùng vĩ trên dòng Sêrêpôk huyền thoại được hoà quyện bởi hai dòng sông Krông Ana (sông cái) và Krông Nô (sông đực) phải kể đến ngọn thác Dray Nur. Nằm cách Buôn Ma Thuột 20 km về hướng Nam, thác dài trên 250 mét, cao trên 30 mét, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Không khí núi rừng trong lành, vô vàn hạt bụi nước li ti bay bên bờ thác, du khách đứng cách chân thác cả trăm mét vẫn cảm thấy mát mẻ dễ chịu.

thac-dray-nu

Thác Dray Nur hùng vỹ

Nhiều người thích trải nghiệm cảm giác mạnh tìm lối đi vào hang đá trong lòng thác, đi cầu treo… Hang đá trong lòng thác chính là nét độc đáo riêng có của Dray Nur, nó như phòng mát-xa nước thiên nhiên ở giữa trời. Thiên nhiên đã khéo dựng một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20 mét xuống tạo thành phòng tắm lộ thiên hoàn mỹ.

Đêm ở thác trăng dát bạc lung linh kỳ ảo, ngồi bên ché rượu cần dậy men rừng quyện với cơm lam dẻo thơm và thịt heo rừng nướng thơm nức, lắng nghe ngọn thác hát vang vọng bài ca đại ngàn, tưởng không còn lạc thú nào hơn.

Hiepcoi

Nguồn Vnexpress.net