“Tây Nguyên với công tác xóa đói giảm nghèo” tại Đắk Lắk

Ngày 25-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Tây Nguyên với công tác xóa đói giảm nghèo”.

Tham dự cuộc đối thoại có bà Lê Thị Kim Đơn– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Măng Đung– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; bà Mai Hoan Niê KDăm– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; b>bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông;b> ông Trương Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Hơn 10 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ kinh tế – xã hội cấp bách được cả hệ thống chính trị trên địa bàn Tây Nguyên tập trung chăm lo, triển khai liên tục, rộng khắp, bằng nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong năm, toàn vùng đã xóa được gần 40.000 hộ nghèo. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 44,9% xuống còn 40,5%. Cuộc tọa đàm đã tập trung vào một số nội dung chính như: thực trạng và khó khăn của công tác xóa đói giảm nghèo đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là đối với đối tượng di dân tự do, đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, những chính sách ưu đãi với nhóm đối tượng trên, hướng thoát nghèo bền vững…
Tại cuộc tọa đàm, đánh giá về kết quả công tác xóa nghèo trong vùng đồng bào dân tộc ít người của Kon Tum, bà Lê Thị Kim Đơn – Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trong năm 2011, công tác xóa đói được tâm, so với năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 13,4 triệu đồng, tăng 11% so với 2010. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 33,7%, trong đó các hộ đồng bào dân tộc thiểu số hơn 9%. Năm 2011, tỉnh giảm gần 5.000 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 4.000 hộ, tỷ lệ giảm bình quân chung là 5%. Cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo còn 27,91%. Đặc biệt, trong 8 huyện thì 2 huyện thuộc chương trình 30a, mỗi huyện giảm 10% hộ nghèo, đât là quyết tâm rất cao của toàn đảng bộ”.

Bàn về những chính sách ưu đãi để các đối tượng nghèo có được mức sống khá, bền vững tại Lâm Đồng trong những năm tới, ông Trương Văn Thu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉnh hết sức cố gắng, bằng nhiều chính sách, huy động các nguồn lực để giúp họ thoát nghèo. Hầu hết số hộ nghèo chủ yếu ở vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc nên tập trung vào một số chủ trương: đẩy nhanh các chương trình mục tiêu của Chính phủ như 134, 135, đặc biệt là giúp họ sản xuất, chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi, giao đất giao rừng; dùng một số nguồn vốn, hỗ trợ mỗi hộ 500 đến 800 triệu đồng để khai hoang, sản xuất bằng đất đã giao, hỗ trợ làm nhà ở. Ngoài hỗ trợ của trung ương cho làm nhà, tỉnh sẽ giúp đỡ mỗi hộ từ 5,7 khối gỗ và một số tiền; rà soát tất cả, phân loại các hộ để xem xét ưu tiên hỗ trợ hộ nào trước. Phương châm của tỉnh là làm cuốn chiếu, số nào thực sự nghèo, thực sự muốn thoát nghèo thì sẽ đầu tư trước, còn số “từ từ”, không thiết tha thực sự với thoát nghèo thì sẽ dần vận động họ.

Đắk Lắk là một trong những địa phương có dân đi ngoài kế hoạch tương đối lớn, từ năm 1976 đến nay, tổng số dân đi ngoài kế hoạch là trên 59.000 hộ và trên khoảng 288.000 khẩu, tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía bắc, đồng bào các tỉnh duyên hải miền trung. Để giải quyết dứt điểm và triệt để vấn đề này, bà Mai Hoan Niê KDăm– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra một số kiến nghị: đối với các dự án đã phê duyệt, hiện Chính phủ mới bố trí khoảng 20-30% vốn so với nhu cầu, rất khó khăn cho tỉnh khi Đắk Lắk vẫn nghèo (hiện tỉnh nhận 50% trợ cấp từ Trung ương); đối với dự án mới phát sinh, Chính phủ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm; hiện mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ thấp, làm sao điều chỉnh tương đương trượt giá; Vấn đề nữa, Chính phủ có chủ trương thống nhất chỉ đạo cho tỉnh chuyển đổi một số diện tích rừng, không phải rừng phòng hộ đầu nguồn, mà ngoài khu vực đó mà hiện đồng bào đang canh tác, để giao đất cho họ, đăng ký quyền sử dụng đất, giao đất, giao rừng để họ ổn định cuộc sống lâu dài…

25032012tcq14152156174

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.

Đối với tỉnh Đắk Nông, bàn về những mục tiêu cụ thể trong công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc ít người năm 2012 và những năm tiếp theo, bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hiện chúng tôi đang triển khai 11 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, nhưng mới chỉ giải quyết được 1/4 số vốn cần thiết. Theo rà soát điều tra hộ nghèo năm 2011, tỉnh còn 26,8% hộ nghèo, tỷ lệ trong đồng bào dân tộc thiểu số là 46%, tỷ lệ trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 53%, các tỷ lệ này so với khu vực tỷ lệ còn cao. Chúng tôi đặt mục tiêu giảm 3% hộ nghèo mỗi năm, đồng bào dân tộc thiểu số từ 5 – 6%, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 7-8% mỗi năm. Ngoài việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách của Chính phủ, tỉnh còn có các chính sách đặc thù như chọn 12 bon, buôn trọng điểm để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, rà soát quy hoạch các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững tới năm 2015, hiện đã quy hoạch 39 buôn…”.

Gia Lai là tỉnh có trên 1,3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc ít người khoảng 31%. Kết thúc năm 2011, Gia Lai đã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 24,6%. Vấn đề đáng ghi nhận là Gia Lai có nhiều nông trường, công ty chuyên canh cây cao su và cà phê thu hút một lượng lớn đồng bào dân tộc ít người vào đó làm công nhân.Tuy nhiên,vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc ít người. Trao đổi tại chương trình, ông Măng Đung cho biết, Gia Lai có hơn 95 ngàn ha cao su, 77 ngàn ha cà phê. Trong số 24 ngàn công nhân cao su, có gần 10 nghìn công nhân là đồng bào dân tộc; tương tự, có 12% công nhân nông trường cà phê là người dân tộc thiểu số. Mặc dù có nỗ lực, khát vọng nhưng mục tiêu chưa đạt được như mong muốn và do nhiều nguyên nhân như: đồng bào dân tộc thiểu số sống với rừng từ lâu, rừng cho họ no đủ, cho họ văn hóa, đó là tiềm thức của họ, đặc biệt tiềm thức về sở hữu rừng, đất đai của họ là lâu dài, bền vững. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp rất khó khăn, vì đòi hỏi phải có có ý thức công nghiệp; cây cao su từ khi trồng đến khi khai thác phải có kỹ năng, đòi hỏi nền học vấn cao, trong khi đồng bào cũng có những ngại ngùng với ý thức học vấn còn thấp… Khi làm công nhân cao su, đồng bào dân tộc thiểu số thường chỉ đạt khoảng 80% so với năng suất lao động thông thường. Đứng trước khó khăn đó, Gia Lai đã rất nỗ lực, đôn đốc các sở, ban, ngành giám sát, kiểm tra việc doanh nghiệp tuyển dụng công nhân là người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh dạy nghề cho đồng bào, tăng cường công tác truyền thông. Một giải pháp khác là bên cạnh chính sách chung, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách riêng với công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số số mà mình muốn tuyển dụng.

Qua cuộc đối thoại, những nỗ lực của các địa phương khu vực Tây Nguyên trong công tác xóa đói giảm nghèo đã được khắc họa rõ nét hơn, qua đó các địa phương đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, phát huy những chính sách hay, những giải pháp tốt đồng thời có những đề xuất chính sách, giải pháp cụ thể với trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp Tây Nguyên phát triển bền vững, sớm trở thành vùng kinh tế động lực của đất nước.

Nguồn QĐND