Tây Nguyên oằn mình trong cơn khát

Tây Nguyên đang trong cơn hạn đến cực độ, người dân Tây Nguyên đang phải oằn mình trong cơn hạn khốc liệt chưa từng có. Sự trợ giúp về vật chất của Chính phủ với người dân Tây Nguyên, bây giờ, còn quý hơn bất cứ một lời cảm thán nào.

Chưa năm nào, hạn hán lại gây ảnh hưởng lớn, làm xáo trộn đời sống của người dân Tây Nguyên như năm nay. Nhiều người phải bỏ công việc để tìm nước về phục vụ sinh hoạt gia đình; nhiều em nhỏ phải nghỉ học để giúp cha mẹ chống chọi với cơn khát của đồng ruộng…

ĐÀO GIẾNG GIỮA… LÒNG HỒ

Đã nhiều tháng qua, người dân các huyện Krông Năng, Krông Bông, Cư Cuin, Cư M’gar… (tỉnh Đăk Lăk) quay cuồng tìm nước tưới cho cây trồng. Không khí tại các vườn, các rẫy vào mùa vốn đã náo nhiệt, giờ càng náo nhiệt hơn bởi người thì đào, vét giếng, người chở nước từ xa về… Tại lòng hồ thủy điện Ea H’rar 1 (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), người dân nơi đây đã đào gần chục cái giếng ngay… giữa lòng hồ – vốn đã trơ đáy để tìm nước tưới cà phê. Những cái giếng giữa lòng hồ này sâu 5 – 6 m, có những giếng sâu đến gần 10 m nhưng nước mạch cứ như… nước đái thằn lằn – lời của anh Y Ngông, người đang “sở hữu” hai cái giếng giữa lòng hồ này.

21032013165347

Ban đầu, Y Ngông đào một giếng, nhưng do nước quá ít nên ba cha con anh bèn đào thêm cái nữa ngay bên cạnh, bơm dồn nước để đưa vào đường ống, chạy hơn cây số mới đến vườn cà phê. Tốn kém, có thể mùa tới thu cà phê không đủ chi nhưng vẫn phải làm, bởi “không chịu bỏ ra bây giờ thì mùa sau không có thu, thậm chí vườn cà phê sẽ bị hỏng mà nhiều năm sau chưa chắc đã cứu được” – Y Ngông nói. Chính vì vậy mà bằng mọi giá, Y Ngông phải đưa nước đến tận vườn cà phê, dù chi phí tăng lên nhiều lần, dù hai thằng con trai của anh – đứa học lớp 8, đứa lớp 5 phải nghỉ học gần tuần nay để cùng cha tìm nước.

Có tiền, có lao động – dù phải nghỉ học để giúp cha tìm nước tưới cà phê như nhà Y Ngông còn đỡ. Có những hộ nhìn vườn cà phê của mình tốn bao công sức, tiền của giờ đang dần héo rũ mà quặn lòng. Cũng ở lòng hồ thủy điện Ea H’rar 1 này, Y Khôn đang kéo đoạn ống dài từ cái giếng mới đào giữa lòng hồ về vườn cà phê. Giếng của Y Khôn đào 5 m giữa lòng hồ mới có nước. Tuy nhiên gia đình anh không đủ tiền mua dầu phục vụ bơm tưới nên mới tưới được vài giờ, đành… bỏ mặc vườn cây!

Ở tỉnh Kon Tum, đập Cà Tiên từng được xem là nơi cung cấp nguồn nước cho những ruộng lúa xung quanh, bây giờ cũng chỉ còn… vài giọt nước. Ông Phan Hùng – thôn trưởng thôn 7 (xã Đoàn Kết, TP Kon Tum), cho biết: Ngoài các loại cây trồng khác, 516 nhân khẩu trong thôn còn canh tác 17 ha lúa nước nhờ vào nguồn nước của con đập này, vậy mà “không lâu nữa, bà con trong thôn chắc phải đào giếng, khiêng bơm ra giữa lòng hồ để lấy nước tưới ruộng” – ông Hùng nói.

21032013165348

Thống kê của các tỉnh Tây Nguyên cho thấy: Tại Kon Tum đã có gần 1.400 ha cây trồng bị hạn, gần 1.700 ha khác cũng có khả năng bị hạn trong thời gian tới. Tỉnh Đăk Nông hiện có trên 2.600 ha cây trồng thiếu nước và có nguy cơ bị mất trắng. Tỉnh Đăk Lăk có gần 1.700 ha bị khô hạn (lúa nước gần 4.000 ha). Tại Gia Lai, thiệt hại do hạn hán gây ra trong vụ mùa 2012 về nông nghiệp khoảng 58,30 tỷ đồng. Đã có 8.434 hộ với 33.855 nhân khẩu bị thiếu đói giáp hạt và thiếu đói do hạn hán. Ông Ngô Ngọc Sinh – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Bộ Tài chính vừa cấp hỗ trợ cho Gia Lai 3,2 tỷ đồng để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại trong vụ mùa 2012; tỉnh cũng đã xuất ngân sách hơn 6 tỷ đồng để mua gần 5 tấn gạo cứu trợ cho bà con bị thiếu đói…

THỨC ĐÊM HỨNG NƯỚC

Nước sinh hoạt đang là đề tài nóng ở các tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh Đăk Lăk đã có trên 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong đợt hạn này (huyện Krông Bông 2.400 hộ, Krông Ana 1.255 hộ, Krông Păk 1.400 hộ…). Anh Lê Xuân Hiếu (phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) đang loay hoay tìm đủ các vật dụng để chứa nước, cho biết: Chưa năm nào, người dân Buôn Ma Thuột lại khó khăn về nước sinh hoạt như năm nay. Nước bị cắt ba ngày mới có một lần. Ban ngày đi làm đã mệt, tối về phải đặt đồng hồ báo thức để nửa đêm dậy hứng nước. Tuy nhiên thức gần trắng đêm cũng chỉ hứng được khoảng 50 lít nước, may ra thì đủ phục vụ ăn uống cho gia đình trong ngày hôm sau.

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở đường Hùng Vương (TP Buôn Ma Thuột) đang tất bật với xô, chậu, tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho một đêm thức trắng hứng nước. Hai vợ chồng bận buôn bán tối ngày, không đủ thời gian và sức lực để đêm nào cũng thức như nhiều người khác, anh phải mua hẳn một thùng chứa 300 lít để tranh thủ những lúc khỏe, hứng ít nước dùng. Nhưng chủ yếu vẫn là mua nước chở từ nơi khác đến với giá cao để gia đình sinh hoạt.

21032013165349

Tại tỉnh Kon Tum, báo cáo mới nhất của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh này cho biết: Toàn tỉnh có 12 công trình cấp nước tập trung đã bị hạn (7 công trình thiếu nước và 5 công trình có khả năng thiếu nước); có trên 1.000 giếng đào ở các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, TP Kon Tum thiếu nước hoặc không còn nước. Tại Kon Tum, đã có trên 300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tất nhiên, cũng như ở TP Buôn Ma Thuột, những hộ thiếu nước sinh hoạt ở TP Kon Tum luôn phải thức đêm để hứng từng giọt nước quý giá phục vụ ăn uống cho ngày hôm sau…

Đi dọc Tây Nguyên vào những ngày này, ở đâu cũng là nắng nóng, khô khát, ở đâu cũng tất bật không khí tìm nước cho cây trồng và cho sinh hoạt, ở đâu cũng có thể bắt gặp những gương mặt căng thẳng, âu lo trong cơn đại hạn… Những dòng sông vạm vỡ của Tây Nguyên – một thời là niềm tự hào, là biểu trưng cho tinh thần, cho sức mạnh của cộng đồng các dân tộc cư trú tự ngàn đời ở Tây Nguyên, là khởi nguồn cho những bản trường ca dài tựa dòng sông này… giờ đây đã bị chặt khúc, đứt đoạn bởi những con đập thủy điện sừng sững.

Nhiều người già ở Tây Nguyên cho biết, họ đã sống gần hết cuộc đời ở đây, nhưng hiếm có năm nào nắng nóng và khô hạn như năm nay. Điều này là có thật bởi ngay tại cao nguyên Pleiku, nhiệt độ đo được trong nhà những ngày này lên đến 34 – 35 oC. Chưa kể ở những vùng như Krông Pa, Kông Chro (Gia Lai), Đăk Tô – Tân Cảnh (Kon Tum), nắng nóng gay gắt hơn rất nhiều.

Sông Đăk B’la thơ mộng chảy qua thành phố Kon Tum, nhiều đoạn chỉ còn cát sỏi và đá. Sông Ba lớn nhất Tây Nguyên – Nam Trung bộ bắt nguồn từ cao nguyên Kon Plong, đổ ra biển Đông ở cửa biển Tuy Hòa cũng cùng chung số phận. Sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), trước kia là nơi hóng mát và hoài niệm của những người già, là nơi vùng vẫy bơi lội tuổi thơ của các em nhỏ mỗi khi mùa nắng về, vậy mà bây giờ chỉ còn lại lởm chởm đá, lơ thơ cây bụi và sặc mùi xú uế từ các nhà máy trên địa bàn thải ra…

Đi dọc quốc lộ 25 từ Pleiku về huyện Krông Pa (Gia Lai), trời nắng như hắt lửa xuống mặt đất; mặt đường nhựa tấp cái nóng hầm hập vào mặt người đi đường. Dưới kia, song song với quốc lộ 25 là dòng sông Ba với nhiều đoạn chỉ có cát trắng lóa dưới ánh mặt trời chói chang. Trong cái nắng chói chang và hầm hập nóng ấy, thi thoảng bắt gặp những cái lưng trần, gầy guộc đang bới cát với hy vọng… dưới cát sẽ là những giọt nước ngàn lần quý giá!

Dẫu không muốn nhắc đến vì lý do này hoặc khác, nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng: Tây Nguyên đang trong cơn hạn đến cực độ, người dân Tây Nguyên đang phải oằn mình trong cơn hạn khốc liệt này. Sự trợ giúp về vật chất của Chính phủ với người dân Tây Nguyên, bây giờ, còn quý hơn bất cứ một lời cảm thán nào.

Nguồn Nongnghiep.vn